Cảnh sát giao thông, công an xã trong một tổ công tác. Ảnh minh hoạ: Báo Bắc Ninh
Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 27/2010/NĐ-CP ngày 24.3.2010 quy định về nhiệm vụ của cảnh sát giao thông đường bộ, các lực lượng cảnh sát khác và công an xã khi phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công an xã có nhiệm vụ như sau:
“a) Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của cảnh sát giao thông đường bộ và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng;
c) Thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả công tác tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong Kế hoạch đã được phê duyệt”.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 7 Thông tư 47/2011/TT-BCA, công an xã có nhiệm vụ như sau:
“1. Bố trí lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch.
2. Thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong kế hoạch.
3. Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng, lực lượng cảnh sát khác và công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Lực lượng công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông sau: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Nghiêm cấm việc công an xã dừng xe, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ”.
Theo các quy định vừa trích dẫn, việc công an xã xử phạt hành chính khi bạn chở quá số người là phù hợp với quy định của pháp luật.
Thẩm quyền của công an phường
Theo Điều 16 Luật Công an nhân dân, hệ thống tổ chức của công an nhân dân gồm có:
“a) Bộ Công an;
b) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
d) Công an xã, phường, thị trấn”.
Ngày 20.7.2006, Bộ trưởng Công an có Quyết định số 862/2006/QĐ-BCA thay thế Quyết định số 141/QĐ-BNV ngày 21.8.1992 của Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của công an phường.
Theo đó, công an phường là cấp công an trực tiếp chiến đấu ở cơ sở; có trách nhiệm tham mưu giúp trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Đảng ủy, UBND phường về bảo vệ an ninh, trật tự; tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn phường; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.
Như vậy, công an phường là một bộ phận trong hệ thống tổ chức của công an nhân dân. Tuy không có quy định trong một Pháp lệnh riêng biệt như công an xã nhưng là lực lượng chuyên trách. Nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của công an phường về cơ bản tương tự công an xã và cũng được quy định tại Điều 9 Nghị định 27/2010/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư 47/2011/TT-BCA.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội