Trong khi các đại lý Honda và Chevrolet, "rôm rả" khách hàng, thì các showroom Hyundai lại vắng bóng người ghé thăm. Thậm chí cuối tuần trước không có bất cứ khách hàng nào đến đại lý Hyundai, điều này khiến nhân viên quá sức nhàn rỗi, một nửa số nhân viên đã chán nản và xin nghỉ việc.
Vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới mà bất cứ hãng xe nào cũng muốn chiếm lĩnh, nên không khó để nhận ra Hyundai đang đối diện khủng hoảng khi người tiêu dùng tại Trung Quốc quay lưng với mình. Ngoài Hyundai, thương hiệu con Kia của hãng này cũng bị ảnh hưởng. Được biết tổng doanh số của Hyundai và Kia giảm một nửa trong tháng 3, đánh dấu quý I đầy khó khăn. Nguyên nhân là vì hãng xe Hàn đã quá chú trọng dòng sedan ở một quốc gia chuộng SUV, tầm nhìn thương hiệu kém và một số yếu tố chính trị cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.
Hyundai đã cố gắng cứu vãn tình thế khi giới thiệu mẫu ix35 dành riêng cho thị trường Trung Quốc, không những vậy hãng xe còn cho biết sẽ giới thiệu 6 mẫu xe thân thiện với môi trường, trong đó có sản phẩm thuộc dòng SUV. Kia cũng có động thái tương tự khi giới thiệu K2 Cross cho thị trường Trung Quốc, dự kiến bán ra vào tháng 6.
Thị trường ô tô Trung Quốc hiện tại đang có biến chuyển, khi nhu cầu sử dụng xe của khách hàng Trung Quốc đã thay đổi. Trước đây, người dân Trung Quốc có thể sẽ chọn mua sedan Sonata, nhưng khi giá nhiên liệu giảm, cùng với việc chấm dứt chính sách một con, họ quan đến những chiếc SUV hơn, do công năng sử dụng cao, phù hợp nhiều nhu cầu. Và họ còn có nhiều lựa chọn với những chiếc SUV, minivan do chính các nhà sản xuất nội địa đưa ra với mức giá tương đương hay thậm chí rẻ hơn, nên không có gì ngạc nhiên khi Hyundai đang chật vật tại nơi này.
Tháng 10/2016, Hyundai khánh thành nhà máy thứ tư tại tỉnh Hà Bắc. Hãng này còn dự kiến mở một nhà máy khác tại Trùng Khánh vào cuối năm nay với công suất 300.000 chiếc/năm. Nhưng bi kịch bắt đầu diễn ra khi thị phần của các hãng xe nội địa tăng hơn 6% trong vòng 3 năm, đạt mức 45,9% vào tháng 3, trong khi các thương hiệu Hàn Quốc giảm doanh số trong cùng kỳ, ở mức 3,5%. Do chính sách giảm thuế của chính phủ Trung Quốc đối với xe động cơ nhỏ, nên Hyundai đã phải chứng kiến sự sụt giảm doanh số ngay cả trước tháng 3. Việc sản xuất của Kia tại Trung Quốc cũng bị trì hoãn từng phần trong tháng 3.
So Nam-young, người đứng đầu liên doanh Kia và Dongfeng tại Trung Quốc cho biết: “Hiện chúng tôi gặp nhiều khó khăn tại Trung Quốc, nhưng hy vọng tình hình sẽ khá hơn với những mẫu xe mới. Hãng đã nghiên cứu tình hình và chuẩn bị có những bước tiến nhằm phục hồi doanh số”. Thực sự mà nói, hiện không có cách nào tốt hơn là đợi cơn bão khủng hoảng đi qua. Đó cũng chính là những gì mà Honda, Toyota và Nissan đã làm khi họ phải đối mặt với những lần sụt giảm doanh số trầm trọng trong năm 2012. Bộ 3 hãng xe Nhật đều vượt qua để rồi sau đó lại lập nên những kỷ lục doanh số mới tại Trung Quốc.