Nằm ở vùng hạ lưu sông Thái Bình, Hải Phòng bãi triều và đường đê biển dài tới 125km, thuộc các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Cát Hải, quận Đồ Sơn… có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhưng do hệ thống rừng chắn sóng ít, khi bão đổ bộ gây thiệt hại rất lớn, thường xuyên sạt lở, vỡ đê, nên tiềm năng này vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Người dân tham gia trồng rừng ngập mặn chống BĐKH ở quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng). |
Vành đai phòng hộ
Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Hải Phòng đã rất chú trọng đến việc phát triển rừng ngập mặn. Từ năm 1992 đến nay, tỉnh đã tận dụng các nguồn vốn quốc tế tài trợ, Chương trình trồng rừng PAM, hành động phục hồi rừng ngập mặn của Tổ chức ACMANG (Nhật Bản)… để trồng mới, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn từ 293ha lên 4.700ha; ngoài ra còn trồng mới 6.179ha rừng tập trung, 5.988ha rừng phòng hộ và 191ha rừng đặc dụng, nâng độ che phủ từ 9,1% (1998) lên 12% (2011).
Hiện hầu hết các vùng ngập mặn ven biển đã được trồng trang, mắm, bần… đang tạo thành một vành đai phòng hộ ven biển chống lại tác động của bão, nước biển dâng, vừa bảo vệ đê và đảm bảo sự phát triển đa dạng sinh học động, thực vật dưới rừng.
Riêng quận Đồ Sơn có 17,8km đê và bãi ven biển. Tuy nhiên, lại có 2 loại bãi bồi phù sa và bãi bồi cát đen di động. Với bãi bồi phù sa thì việc trồng rừng khá thuận lợi, do đất có nhiều khoáng chất cây bén rễ và lớn rất nhanh, còn ở bãi bồi cát đen di động, đất nghèo nàn, cây chậm lớn nên thường bị thủy triều cuốn trôi theo cát. Để khắc phục, Trung tâm Giống và Phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng đã trồng thí điểm cây mắn, bần (cây bầu to và đóng cọc giữ) và đã thành công. Nay bãi cát đen đang dần được phủ bằng màu xanh của cây.
Lá chắn xanh…
Đi dọc các tuyến đê ở Hải Phòng, khác biệt với nhiều đê khác là đê đều được kiên cố hóa, ven biển ngút ngàn một màu xanh của rừng ngập mặn. Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Phòng, vài năm gần đây, Hải Phòng không xảy ra vụ vỡ đê, tràn đê nào. Các tuyến đê bị sạt lở cũng rất hạn chế, mỗi năm tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền tu bổ, kè đê so với trước khi chưa trồng rừng ngập mặn.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Giống và Phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng cho hay, thời gian qua mặc dù đã được kiên cố hóa, nhưng ở một số vùng chưa có rừng chắn, các tuyến đê vẫn bị sạt lở rất nghiêm trọng. Ông Huy khẳng định, trồng rừng ngập mặn là cách tốt nhất để giữ đê, đối phó với BĐKH.
Để khuyến khích người dân bảo vệ rừng, thành phố đã hỗ trợ công bảo vệ 100.000 đồng/ha/năm (giai đoạn 2011 – 2015). Ông Lê Văn Hùng (quận Đồ Sơn) một người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng ngập mặn phấn khởi: “Trước kia chưa có rừng, dân chúng tôi khổ lắm, vỡ đê, triều cường đánh vào bãi ngao, tôm, cua mất sạch. Từ khi rừng phủ xanh, thiệt hại do thiên tai giảm hẳn, đặc biệt chúng tôi được ăn ké tôm, cá “lộc” rừng, nên đời sống khấm khá hơn”.
Dự kiến đến năm 2015, Hải Phòng sẽ nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn lên 6.800ha (28% diện tích bãi biển). Để đạt được kế hoạch này, ngoài việc giao khoán cho các tổ chức, hộ dân bảo vệ, phát triển tốt số rừng đã trồng và thành phố phải trồng mới khoảng 2.000ha và tu bổ 261ha rừng cây trang phòng hộ. Hiện Hải Phòng có 64 trang trại lâm nghiệp, 180 trang trại tổng hợp (rừng và vườn) tạo việc làm cho gần 900 lao động có thu nhập ổn định.
Việt Tùng