Quá khứ đáng quên
Tổ hợp Khu văn phòng, dịch vụ và nhà ở tại 99 Lê Văn Lương và 164 Khuất Duy Tiến (Việt Đức Complex) do liên danh chủ đầu tư công ty CP đầu tư Sông Đà – Việt Đức (đại diện) - Tập đoàn xây dựng và thiết bị công nghiệp (CIE Corp) – Công ty CP Kinh doanh Vật tư & Xây dựng CMC thực hiện. Dự án hứa hẹn cung ứng 704 căn chung cư cao cấp trong tương lai không xa.
Thai nghén từ 2011, dự án tại khu đất vàng quận Thanh Xuân nay mới tới thời kỳ "hái quả". (Ảnh: C.N)
Tháng 11.2011, Sở Xây dựng Hà Nội cấp GPXD 135/GPXD cho công ty CP Tập đoàn Xây dựng và thiết bị công nghiệp (nay là CIE Group) và công ty CP kinh doanh vật tư và Xây dựng (đơn vị hợp tác đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex) được xây dựng công trình Khu văn phòng – dịch vụ và nhà ở tại ngõ 164 Khuất Duy Tiến.
Theo giấy phép này, dự án sẽ khởi công xây dựng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp, nếu quá hạn mà chưa khởi công thì chủ đầu tư phải xin gia hạn. Nhưng, tới 2016 (gần 5 năm từ khi được cấp GPXD), dự án mới nhúc nhích?
Giữa năm 2016, công trình đang thực hiện những hạng mục đầu tiên. Bất ngờ, ngày 14.6 UBND quận Thanh Xuân xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với dự án này. Dự án bị buộc dừng thi công, liên hệ cơ quan thẩm quyền để được điều chỉnh GPXD. Tháng 9, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản về việc phụ lục GPXD 135/GPXD. |
Chưa hết, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính thuê đất tại dự án cũng đáng chú ý. Trong gần 12.000m2 diện tích khu đất, khoảng 5.400m2 đất dành xây dựng văn phòng – nhà ở cao tầng (Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, sử dụng lâu dài) và phần còn lại phục vụ cho hạng mục sân, đường nội bộ, cây xanh (thuê đất 50 năm, trả tiền hàng năm).
Năm 2011 (trước thời điểm được cấp GPXD), CIE Group – tư cách đại diện liên danh, đã thanh toán ngót 178,5 tỷ đồng cho phần đất đầu tư xây công trình; cùng tiền thuê hơn 6.000m2 đất hạ tầng, tiện ích cảnh quan.
Tuy nhiên, việc khu đất phục vụ xây sân vườn, cây xanh đã được đóng tiền thuê đầy đủ với cơ quan chức năng (thời gian từ 2012 đến nay) vẫn là dấu hỏi.
Thực tế phũ phàng
Còn nhớ, tháng 12.2016, môi giới quảng bá các suất căn hộ với mức giá 26-32 triệu đồng/m2 tùy diện tích, tháp. Dự án gồm 4 tòa căn hộ: 2 tòa A,B cao 23 tầng nổi; 2 tòa C,D 27 tầng nổi. Đáng chú ý, các căn ở tòa C và D có giá cao hơn vì… view đẹp (hồ điều hòa Nhân Chính). Ngược lại, vì vị trí “bất lợi” (gần sát khuôn viên nghĩa trang Quán Dền), những căn ở tòa A,B có giá… mềm hơn (khoảng 26-27 triệu đồng/m2).
View công viên điều hòa, nhưng bị nghĩa trang Quán Dền "án ngữ" mặt chính, Việt Đức Complex đang gấp gáp mở bán với giá sụt giảm đáng kể trong nỗ lực cứu vãn cuối cùng của CIE?
Về điều này, không ít chuyên gia BĐS đã cảnh báo về yếu tố tâm linh đối với các dự án nhà ở phạm phải vị trí "tiệm cận" hoặc gần như "ôm trọn" nghĩa trang như Việt Đức Complex. Đương nhiên, với nhu cầu nhà ở bức thiết, một số khách hàng đã bấm bụng xuống tiền khi không còn lựa chọn nào hợp túi tiền cũng như e ngại giá căn hộ sẽ tiếp tục tăng.
Dẫu vậy, với mức giá 26-32 triệu đồng/m2 của Việt Đức Complex thời gian trước, rất nhiều cá nhân đã "lắc đầu" và chuyển hướng sang các dự án khác (ngay trong quận Thanh Xuân) cách đó chừng vài trăm mét...
Dự án Việt Đức Complex nằm lọt thỏm trong khu đất có 3 hướng bị chắn bởi các tòa chung cư cao tầng bên cạnh. Hướng đẹp nhất của dự án là quay ra phía đường Lê Văn Lương và hồ điều hòa Nhân Chính - nhưng lại bị nghĩa trang Quán Dền – Nhân Chính chắn gần 2/3 bề ngang dự án. Các lối phụ phải đi qua các dự án hàng xóm. |
Trạng thái e ngại bao phủ khách hàng đã giải thích phần nào kết quả kinh doanh thu được từ dự án Việt Đức Complex của CIE Group trong năm qua.
Cụ thể, kết thúc năm 2016, doanh thu BĐS của CIE là... 0 đồng (lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ - CIE group chưa tới 4 tỷ đồng – chưa tới 11% kế hoạch đề ra).
Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, lãnh đạo CIE rất tự tin về triển vọng lợi nhuận tại dự án. Theo đó, đến hết 2015, dự án đang thực hiện giải ngân nguồn vốn 600 tỷ đồng tại BIDV Thanh Xuân (lợi nhuận sau thuế năm 2015 của CIE chưa đầy 5 tỷ đồng).
Về tổ hợp Việt Đức Complex, lãnh đạo đặt mục tiêu triển khai đúng tiến độ trong năm 2016 và “đảm bảo bán được 60% số căn hộ". Trong nghị quyết ĐHĐCĐ 2016, lợi nhuận từ dự án được nêu là 32 tỷ đồng trong năm 2016.
Ở kỳ ĐHĐCĐ 2017 vừa diễn ra, một lần nữa, tham vọng "gặt hái" từ dự án "ôm nghĩa trang" của ban lãnh đạo CIE lại tái diễn. Cụ thể, "Doanh thu từ BĐS và dự án Việt Đức Complex là 425 tỷ đồng trong năm 2017". Dẫu vậy, kế hoạch dự kiến lợi nhuận sau thuế của CIE Group lại chỉ khiêm tốn ở... 5 tỷ đồng.
Đặc biệt, trao đổi tại ĐHĐCĐ, chủ tọa đã giới thiệu với Đại hội sơ đồ mảnh đất của Dự án đầu tư Viện cơ điện tử tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Theo đó, CIE dự kiến đầu tư Viện cơ điện tử là Viện cổ phần hóa – như một phần kế hoạch thời gian tới.
Hiện tại, theo một số đơn vị truyền thông "nổ", ngót 1.000 căn hộ đã được đăng ký mua trước dịp mở bán cuối tháng 5 sắp tới – thể hiện sức hấp dẫn của dự án. Dẫu vậy, mức giá dự kiến tới đây chỉ còn 24,5 triệu đồng/m2 – giảm rõ rệt so với thời điểm tháng 12.2016. Điều này, cho thấy chủ đầu tư đã "hiểu" rõ yếu điểm vị trí của dự án con cưng. Tuy nhiên, giảm giá có giúp cải thiện thanh khoản sản phẩm dự án hay không, vẫn phải chờ đợi thời gian. Năm 2016, kế hoạch doanh thu từ Việt Đức Complex rõ ràng đã phá sản hoàn toàn với CIE. Còn năm nay...