Ra khơi lúc...11 tuổi
Trời tháng 5 nắng nóng như chảo lửa, tôi gặp ngư dân trẻ Bùi Đình Mười khi anh đang sửa soạn lại con tàu cho chuyến ra khơi. Tôi gặp ngư dân trẻ Bùi Đình Mười khi anh đang sửa soạn lại con tàu cho chuyến ra khơi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là nước da ngăm đen, nụ cười trắng sáng, rạng rỡ của chàng ngư dân trẻ. Giọng nói mộc mạc, đặc sệt âm vực dân vùng biển vốn quen “ăn sóng nói gió”, mang đến sự chân thành, gần gũi. Trên con tàu số hiệu QT 933368 TS, 460CV anh Mười đã chuẩn bị khá đầy đủ ngư lưới cụ, vật tư cho một chuyến đi dài.
Ở tuổi 30, ngư dân Bùi Đình Mười là chủ tàu cá xa bờ trẻ nhất Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.
Sinh ra, lớn lên ở quê hương Cửa Việt (Gio Linh), hàng ngày hít vào lồng ngực làn khí biển nên từ nhỏ anh Mười coi biển là nhịp đập con tim mình. Bởi vậy, mới chỉ học lớp 5 (11 tuổi), tranh thủ những tháng nghỉ hè anh Mười đã theo cha và các anh đi biển. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, cậu bé Mười ngày ấy áp dụng lời dặn của Bác Hồ vào thực tế bằng những việc vặt trên tàu… Chính những tháng ngày lênh đênh trên biển như vậy đã mang lại cho cậu bé Mười kỹ năng vá lưới điêu luyện, đạt giải nhì cuộc thi vá lưới khi còn đi học.
Hướng đôi mắt đen lánh ra biển xa, anh Mười mỉm cười rồi nói, thời đó học lực cũng được nhưng từ nhỏ đã xác định lớn lên sẽ theo cha và các anh đi biển nên xong lớp 9 thì rời ghế nhà trường, chính thức vươn khơi.
Các tàu cá Quảng Trị, trong đó có tàu của anh Mười cập bờ luôn mang theo những chuyến đi biển nhiều cá. Ảnh: Ngọc Vũ.
Đánh bắt cùng cha, anh từ năm 2002-2012 dù không thua kém ai nhưng con tàu khai thác gần bờ không thỏa được chí lớn của anh Mười. Cho nên, cuối năm 2012, anh xoay xở nhiều nơi lặn lội vào Quãng Ngãi mua lại con tàu cũ 460CV trị giá 300 triệu đồng về tu sửa rồi đạp sóng vươn khơi xa hành nghề lưới rê...
Bám biển làm giàu, bảo vệ tổ quốc
Biết anh Mười tuổi trẻ nhưng nhiều kinh nghiệm nên nhiều bạn thuyền xin theo. Mỗi chuyến ra khơi, tàu anh Mười thường trực 6-7 bạn thuyền. Cuộc đời ngư dân coi biển là nhà, con tàu như sinh mạng. Sau mỗi chuyến biển anh Mười mua sắm thêm nhiều trang thiết bị như máy dò cá, định vị, định dạng, bộ đàm… và đặc biệt là máy thu lưới, thao lưới để tiết kiệm sức lao động… Trung bình, mỗi năm anh Mười vươn khơi khoảng 15-17 chuyến, mỗi chuyến thu khoảng 200 triệu đồng, ăn chia 6,5 – 3,5 (10 phần thì chủ tàu hưởng 6,5 phần, còn lại cho bạn thuyền). Thu nhập như vậy được coi là khá ở vùng biển Quảng Trị.
Những chuyến biển đầy ắp cá tôm của ngư dân Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.
Anh Mười tâm sự: “Mỗi nghề đều có cái khó, cái khổ. Riêng nghề biển phải đầu tư với số vốn rất lớn, nhưng chỉ cần không để tâm một chút là phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí cả tính mạng. Ví như phải nghe thông tin thời tiết để tránh bão gió, mỗi lần ra khơi phải kiểm tra toàn bộ tàu xem có đảm bảo an toàn hay không, tu sửa tàu định kỳ…Còn tàu không chỉ là mạng sống của gia đình mình mà còn là miếng cơm manh áo, tính mạng của anh em bạn thuyền”.
Chỉ tay ra biển, anh Mười cho biết, muốn ra khơi có nhiều tôm cá thì chủ tàu phải giỏi. Nhìn vào làn nước biển, hướng gió phải đoán được nơi đó có cá hay không. Cũng như nhìn lên bầu trời, thấy mây đen kịt thì đoán chắc sẽ mưa hay ban đêm trời nhiều sao thì chắc chắn ngày mai nắng to. Để nhìn vào vận nước mà đoán được luồng cá phải để tâm quan sát, tích lũy kinh nghiệm dần dần. Trên tàu luôn có la bàn định hướng nhưng thuyền trưởng phải tự lập cho mình một bản đồ trong đầu, xác định nơi nào là ngư trường quen thuộc đánh bắt hiệu quả theo từng mùa, từng nghề.
Anh Mười tự tin khẳng định, về lòng dũng cảm, chẳng ai bằng ngư dân Việt Nam. Hồi dàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam cách đây hơn 3 năm, ngư dân ta vẫn kiên cường bám biển, một tấc không đi, một ly không dời trên vùng biển quê hương. Rồi nhiều lần Trung Quốc ngang ngược ra lệnh cấm biển, tàu anh Mười cùng ngư dân Việt vẫn bình tĩnh vươn ra biển lớn. “Chúng tôi bám biển không chỉ vì kinh tế mà còn vì tình yêu biển, yêu quê hương, nguyện làm phên dậu bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Tàu của họ to, mạnh và ngang ngược nhưng anh biết đấy, dòng máu con người Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục” – anh Mười dõng dàng nói.
Quảng Trị đang đóng thêm nhiều con tàu theo nghị định 67 để ngư dân ra khơi làm giàu, gìn giữ biển đảo Tổ quốc.. Ảnh: Ngọc Vũ.
Đi biển bao năm, nhiều lần anh Mười gặp biến cố. Chuyến biển ngày 7.2 vừa rồi, tàu anh Mười cùng 2 ngư dân khác bị bùn lạ bám chặt vào lưới. Dù khá lo lắng nhưng các ngư dân vẫn tu bổ lại lưới chài vươn khơi. Ngồi trên con tàu gỗ của mình, anh Mười cho biết, đang làm hồ sơ xin đăng kí đóng tàu sắt 800CV để vươn khơi xa khai thác hải sản hiệu quả hơn. Nguyện vọng của anh Mười được cơ quan chức năng và các ngân hàng ở tỉnh rất ủng hộ.
Ông Mai Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt phấn khởi cho biết: “Ở Quảng Trị, ngư dân mang họ tộc Bùi Đình của anh Mười đa số ai cũng sở hữu những con tàu lớn đạp sóng ra Hoàng Sa. Hai anh trai của anh Mười là Bùi Đình Chiến và Bùi Đình Huệ nằm trong Top ngư dân đứng đầu ở xứ gió Lào cát trắng. Họ không chỉ là những tay sát ngư có tiếng mà còn có tấm lòng nhân hậu, dũng cảm cứu hộ thành công nhiều con tàu gặp nạn. Họ đang tiến hành đóng những con tàu sắt theo Nghị định 67 để vươn khơi xa, gìn giữ biển trời tổ quốc.
Tôi chia tay anh Mười trong tiếng cười giòn tan hòa lẫn tiếng còi hú vang báo hiệu tàu sắp ra khơi. Trước khi đi chuyến biển mới, anh Mười kịp ôm người vợ hiền Nguyễn Thị Đông dặn dò: “Anh còn trẻ, phải phấn đấu ra khơi thu nhiều tôm cá, bảo vệ biển đảo nước nhà. Đó là sứ mệnh của những ngư dân! Em ở nhà chăm lo cho 2 con, làm hậu phương vững chắc cho anh”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị vỗ tay xuýt xoa khen: “Những ngư dân trẻ như anh Mười là điểm sáng khích lệ tinh thần bám biển vươn khơi cho ngư dân tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung. Chúng tôi đang đề nghị cấp trên cho phép đóng thêm nhiều con tàu theo Nghị định 67 để ngư dân trẻ có dịp trổ tài, mang cá tôm từ biển lớn vào đất liền, làm giàu cho quê hương…”. |