Dân Việt

Các ông bầu bóng đá than bị xem thường

17/09/2011 17:24 GMT+7
Doanh nghiệp đóng vai chính trong cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhưng nhiều ông bầu cho rằng họ vẫn chưa được tôn trọng đúng mực.

Những bức xúc khi làm bóng đá của một số doanh nhân trong buổi tọa đàm chiều 15-9 tại TPHCM đã khiến không ít người bất ngờ về cái cách mà VFF đối xử với các ông bầu, những nhân vật chính của nền bóng đá chuyên nghiệp.

Đối xử với “bầu” như... trẻ con!

Tốn hàng chục tỉ đồng mỗi năm để nuôi đội bóng nhưng theo bầu Kiên của Hà Nội ACB, đáp lại tình yêu bóng đá của ông chỉ là sự đối xử lạnh nhạt của nhiều quan chức ở VFF. Một ví dụ đơn giản mà vị doanh nhân nổi danh ngành ngân hàng này đưa ra chính là thẻ xe ưu tiên vào sân Mỹ Đình xem đá bóng.

Ông nói: “Họ coi thường, đối xử với chúng tôi như trẻ con! Gần chục năm làm bóng đá, vậy mà chưa bao giờ tôi nhận được một vé mời ngồi ở ghế VIP khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu.

img
Bầu Kiên tiết lộ việc ông đăng đàn ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 là “vào chui” vì không được VFF mời

Ngay cả cái thẻ ô tô để được ưu tiên chạy vào phía trong sân, lần nào tôi cũng phải bám theo anh Dũng (Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng) để xin vào nhờ”. Từng có thời gian ngồi ghế ban chấp hành nhưng sau đó rút lui vì bận kinh doanh, vậy mà ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên tiết lộ rất bất ngờ và thất vọng khi đến bàn danh sách mời họp để ký xác nhận, ông mới biết mình còn không được mời mà chỉ có HLV trưởng Mauricio.

Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng tự nhận chính ông với tư cách là chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, nhà tài trợ chính của V-League, mà cũng toàn phải ngồi ghế phụ khi xem đội tuyển đá. Theo ông Dũng, trước đây VFF cũng nhiều lần gửi thư mời các ông bầu dự tổng kết nhưng có lẽ vì nhiều lý do mà chẳng ai tham dự, nên sau này, họ chỉ mời HLV trưởng hoặc giám đốc điều hành.

Tuy nhiên, bầu Đức của HAGL lại không đồng tình với cách lý giải này: “Chúng tôi không đến vì không muốn trở thành ông nghị gật. Chúng tôi là người tham gia cuộc chơi nhưng lại không được tôn trọng, không được tự quyết nhiều vấn đề thì đến làm gì. Chừng nào mà tiếng nói của chúng tôi được coi trọng thì khi đó có mời sang Mỹ, sang Úc họp chúng tôi cũng bỏ tiền mua vé máy bay đi đông đủ”.

Những câu hỏi cho VFF

Còn rất nhiều dẫn chứng về thái độ ứng xử chưa đúng mực của VFF với các doanh nghiệp. Điển hình như vụ bầu Kiên cho rằng mình bị sốc nặng khi đọc báo thấy những lời phát biểu hoàn toàn trái sự thật của phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của VFF Nguyễn Lân Trung về những gì xảy ra trong cuộc họp tổng kết. Hay như Chủ tịch K.Khánh Hòa Lê Tiến Anh từng ngán ngẩm cho rằng khi bị oan ức, CLB dù có kiện cáo bao nhiêu thì rốt cuộc, VFF cũng chẳng thèm đáp lại với những lý do cũ rích hoặc đổ thừa “quy định FIFA nó thế!”.

Thật nguy hiểm nếu mối quan hệ giữa VFF và các ông bầu ngày càng bị rạn nứt vì nhiều lý do. Doanh nghiệp bóng đá là nhân vật chính trong cuộc chơi mà VFF quản lý. Nếu VFF không thể hiện thái độ tôn trọng thì cũng thật khó đòi hỏi những đội bóng coi trọng những người quản lý.

Tại sao bầu Kiên dù công kích VFF nhưng rất thân và nể Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng? Tại sao bầu Đức, bầu Thắng, bầu Kiên đều coi trọng Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, trong khi sẵn sàng bài xích nhiều nhân vật khác trong bộ máy bóng đá Việt Nam? Đó cũng là những câu hỏi có lẽ chỉ VFF trả lời được...

Theo Người Lao động