Hơn tháng qua, căn nhà của ông Phùng Văn Út ở xã Mỹ Quý Tây trống vắng đến nao lòng vì đứa con trai độc nhất là Phùng Chí Bảo (21 tuổi) vừa tử vong trên đường vận chuyển thuốc lá lậu từ Long An đi TP.HCM.
Ông Út cho biết do gia đình khó khăn, ruộng đất ít, Bảo lại không được học hành đến nơi đến chốn nên thường ngày không có công việc ổn định.
"Bình thường chúng tôi cũng không biết nó đi buôn lậu thuốc lá. Tối 25.3, nó rời khỏi nhà nói là đi công việc, gia đình không nghi ngờ gì vì ai cũng lo chuẩn bị khi chỉ còn vài ngày nữa là đến đám cưới nó...", ông Út bùi ngùi nhớ lại.
Phùng Chí Bảo tử vong trên đường chở thuốc lá lậu. Ảnh: Hoàng Nam
Tối hôm đó Bảo lái ôtô Camry (chưa rõ chủ sở hữu) chở bạn Huỳnh Thế Luân (20 tuổi) từ Long An về TP.HCM. Khi đến địa phận huyện Hóc Môn (TP.HCM) xe bị cảnh sát chặn lại.
Bảo không chấp hành, lái ôtô lách ra ngoài nhưng vẫn húc văng xe máy của nhóm cảnh sát. Tổ công tác lên xe truy đuổi, nổ súng yêu cầu Bảo dừng ôtô.
Chạy được gần 1km, ôtô dừng lại, hai nam thanh niên bỏ chạy vào khu đất trống. Cảnh sát đuổi theo bắt được Bảo trong tình trạng bị thương, Luân chạy thoát. Được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng Bảo đã tử vong. Cảnh sát kiểm tra ôtô phát hiện 500 cây thuốc lá lậu.
Tại xã Mỹ Quý Đông - nơi có nhiều nài thuốc lá đang hoạt động - ông Võ Trung Thực (52 tuổi) khét tiếng khắp vùng với hơn 10 năm làm nghề buôn lậu cùng hàng chục lần đụng độ với cảnh sát.
"Đường dây buôn lậu có trên 20 người, chúng tôi dặn nhau khi đụng độ với cảnh sát không được chống trả mà phải quăng hàng bỏ chạy. Bản thân tôi mất gần 10 vỏ lãi, máy từ những lần bị bao vây", ông Thực nói.
Một đêm năm 2004, nhóm của ông Thực gồm 3 xuồng đưa thuốc lá lậu từ biên giới sang Tây Ninh thì gặp canô của cảnh sát nổ súng bao vây. Hai người bạn chạy thoát, riêng nài Thực bị dồn vào đoạn kênh cùng. "Biết bị bắt sẽ ngồi tù vì lượng hàng lớn, tôi bỏ xuồng lẫn thuốc nhảy xuống kênh bơi hơn một cây số trốn vào bụi rậm, đến tờ mờ sáng hôm sau mới dám lên bờ về nhà", ông nhớ lại.
Bà Biện Thị Thanh Thúy, vợ ông Thực chia sẻ, từ lúc chồng làm nghề buôn lậu, gia đình sắm được ôtô, mua được bầy trâu hơn 70 con nhưng đêm nào bà cũng thức đến 1-2h sáng đợi chồng về. Sau sự cố suýt bị bắt, bà bàn với chồng nên giải nghệ và ông đồng ý.
Hơn một tháng sau lần bị bao vây, nài Thực dự tính trả hết tiền công cho anh em rồi bỏ nghề, nhưng đầu mối ở TP.HCM thiếu hàng năn nỉ ông đi thêm chuyến cuối. Hôm đó là mùng 4.5 âm lịch, ông đưa hàng trót lọt về điểm tập kết. Nhóm bạn nài của ông vì nôn nóng giao hàng bằng đường tắt để về ăn mùng 5 (Tết Đoạn ngọ) nên bị bao vây. 28 người sa lưới và khai ra ông.
Biết cảnh sát truy lùng, nài Thực bỏ nhà, trốn vào bưng tràm sống như "người rừng" hơn một tháng. Sau đó, ông tiếp tục mượn giấy tờ người khác, thay tên đổi họ tha hương đến Lâm Đồng làm thợ hồ.
Sau một năm trốn truy nã, nhớ vợ con, nài Thực liều về nhà thăm. Đợi đêm xuống, ông đào một hầm bí mật rộng vừa đủ một người ngồi bên dưới gầm giường, ngày trốn đêm mới dám ra. Hơn một năm sống chui lủi, nài Thực được vợ khuyên ra đầu thú, sau đó bị kết án 6 năm tù.
Căn hầm bí mật được ông Thực giữ làm kỷ niệm lúc trốn truy nã. Ảnh: Hoàng Nam
Hơn mười năm trước, hai anh em ông Trần Văn Bàng (45 tuổi, quê Mỹ Quý Đông) - từng bỏ công an xã và công an huyện tại địa phương đi buôn lậu - cũng là một nài thuốc cộm cán thuộc diện theo dõi đặc biệt của cảnh sát kinh tế. Vốn rất rành các phương án vây bắt của cảnh sát nên hai anh em dễ dàng qua mặt.
"Lúc đó ham tiền nên tôi bất chấp, ngoài thuốc lá chúng tôi còn buôn lậu cả máy điều hòa. Có hôm bọn tôi đang chở hàng lậu thì bị cảnh sát bao vây nổ súng. Tôi chạy trối chết, về đến nhà thấy dấu đạn găm đầy xe máy", ông Bàng nhớ lại.
Sau hơn 3 năm buôn lậu, một đêm năm 2006, ông Bàng cùng chục nài khác đang tập kết thuốc chở đi Tây Ninh thì bị công an truy đuổi. "Tôi sợ quá vứt hàng tìm đường chạy thoát thân thì nghe có tiếng súng nổ, chân đau buốt, sau đó ngã quỵ chẳng biết gì nữa", dứt lời, ông chỉ vết sẹo ở cổ chân.
Sau khi bị cảnh sát bắn gãy chân, nài Bàng được nhóm cõng thuốc lá lậu đưa đi bệnh viện, phải nằm viện điều trị suốt 4 tháng ròng. Các bác sĩ bảo ông may mắn, vì chỉ cần viên đạn chệch xíu nữa ở gần mắt cá là buộc phải cưa chân.
Khi vết thương lành, ông bị cảnh sát mời làm việc rồi tạm giữ cả chục ngày. Do hành vi chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự, ông chỉ bị phạt hành chính. Sau lần suýt tàn phế, nài Bàng bỏ nghề, quyết tâm chí thú làm lại cuộc đời.
Vết sẹo lớn ở cổ chân nài Bàng do bị cảnh sát bắn khi buôn lậu. Ảnh: Hoàng Nam
Ông Nguyễn Anh Việt - Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An - cho biết, từ đầu năm đến nay, nạn buôn lậu ở huyện giáp ranh Đức Hòa và huyện vùng biên giới Đức Huệ giảm rõ rệt. Số lượng nài thuốc giảm hơn phân nửa và rất ít hoạt động rầm rộ bằng đường sông hay đi xe bè theo đoàn như trước đây mà co cụm lại. Thuốc lá lậu được giấu trong ôtô, cốp xe tay ga hoặc ngụy trang trong các bao tải chứa quần áo.
Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu Long An cho biết, tại tuyến biên giới hiện có 15 đường dây, nhóm buôn lậu thuốc lá với khoảng 300 nài chuyên nghiệp.