Theo PGS Nha, sau hơn 3 năm thành lập, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản (thuộc khoa Phụ sản) đã giúp 200 gia đình hiếm muộn có con. Hiện hàng tháng, Đơn vị cũng nhận được hàng chục hồ sơ xin hỗ trợ sinh sản. Có nhiều người mẹ sau hàng chục năm sống trong nỗi buồn không để có con, đến tuổi 45-46 lại được làm mẹ.
Bế đứa con nhỏ trên tay, chị Nguyễn Bích Thuỷ (35 tuổi Hoàng Mai, Hà Nội) không tin được vào niềm vui mà mình đã chờ đợi suốt 11 năm ròng. Nhiều năm chị sống trong buồn khổ, chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Đến khi hai vợ chồng đã tuyệt vọng thì hạnh phúc lại mỉm cười. Với sự trợ giúp của các bà đỡ Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 23.3 vừa qua, con trai chị Thủy đã chào đời khoẻ mạnh. Hoặc như chị Yến (Hà Nội) là một người khuyết tật, lập gia đình muộn nhưng hai vợ chồng vẫn khát khao có đứa con. Đến tuổi 46, nhờ được hỗ trợ sinh sản, chị cũng đã được làm mẹ.
Chị Nguyễn Bích Thuỷ mừng rơi nước mắt đón chào đứa con sau 11 năm chờ đợi. Ảnh BSCC
Theo PGS Nha, hiện nay, tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng nên nhu cầu hỗ trợ sinh sản càng cao. Theo một nghiên cứu gần đây nhất, hiện tình trạng vô sinh chiếm 7,7% các cặp vợ chồng và ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do tình trạng lập gia đình ngày càng muộn, có con muộn nên khi các bạn trẻ “nhớ ra” cần phải sinh con thì hệ thống sinh sản đã có hỏng hóc. Ngoài ra, tình trạng tình dục không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, phá thai, viêm nhiễm đường sinh dục khiến cho “con giống” của đàn ông ngày càng yếu, còn trứng hoặc ống dẫn trứng, tử cung của phụ nữ bị ảnh hưởng.
“Xã hội hiện đại khiến môi trường sống và làm việc ô nhiễm, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, đàn ông uống bia rượu nhiều, công việc quá bận rộn, căng thẳng cũng khiến cho chất lượng tình dục sa sút, tình trạng vô sinh gia tăng” - PGS Nha nhận định.
PGS Nha cho biết, các cặp vợ chồng không nên có con quá muộn, trong cuộc sống cũng chú ý tránh stress, căng thẳng, tránh để viêm nhiễm đường sinh dục mới hạn chế được tình trạng hiếm muộn. Khi quan hệ tình dục đều mà trên 6 tháng - 1 năm không có con thì nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Theo PGS Nha, càng khám sớm, tuổi càng trẻ thì khả năng hỗ trợ sinh sản thành công càng cao.