Dân Việt

Việt Nam giữ “kỷ lục” về đuối nước ở trẻ em

Thùy Anh 24/05/2017 06:30 GMT+7
Dù đã có Chương trình phòng chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng dành cho trẻ em, nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở nước ta. Thậm chí, số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn đứng đầu khu vực.Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em.

Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em

Gần đây nhất, chiều ngày 15.5 đã có 4 học sinh tiểu học tại TP.Cần Thơ và huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) bị đuối do đi tắm sông và tắm ao cạnh nhà.

Trước đó không lâu, chiều ngày 2.5 tại sông Cầu chảy qua địa phận xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Cả 3 nạn nhân đang học tại Trường THPT Điềm Thụy.

img

Ao nước xảy ra tai nạn khiến 3 học sinh ở xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập,
tỉnh Bình Phước tử vong ngày 15.5. Ảnh: T.N

Nhóm học sinh rủ nhau ra địa phận sông Cầu, thuộc xã Nhã Lộng chơi và chụp ảnh. Do không biết bơi, một số học sinh bị nước cuốn. Phát hiện sự việc, người dân khu vực đã ứng cứu và đưa được nhiều em vào bờ. Tuy nhiên, vẫn có 3 học sinh bị tử vong.

Vào trưa 26.3, nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi (Đại Lộc, Quảng Nam) rủ nhau ra Đà Nẵng tắm biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Sau khi tắm 10 phút, nhiều trẻ em bị cuốn ra xa. Hậu quả 3 học sinh được xác định là bị đuối nước tử vong. Còn tại Gia Lai, chiều ngày 29.3 cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, khiến 4 nữ sinh lớp 6 chết đuối. Theo Công an huyện Ia Grai, vụ việc xảy ra sau khi nhóm 5 em học sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) rủ nhau đi tắm sông.

img

Hàng loạt các địa phương khác cũng đã xảy ra những vụ đuối nước rất thương tâm, khiến nhiều trẻ em bị tử nạn. Phần lớn các vụ đuối nước xảy ra là do trẻ em tự ý đi tắm sông, hồ, biển mà không có phương tiện bảo hộ an toàn, không có người lớn giám sát. Theo báo cáo sơ bộ của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) từ đầu năm 2017 đến nay các vụ đuối nước đã cướp đi sinh mạng gần 30 trẻ em trên cả nước.

Biết bơi vẫn chưa an toàn

Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, từ đầu năm tới nay, Cục đã tiếp nhận nhiều báo cáo liên quan tới tai nạn thương tích và đuối nước của trẻ em trong cả nước.

Ngày 5.2.2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước xuống dưới 6% so với năm 2015 (khoảng 170 người). 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn.

Con số thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do gặp phải các tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010- 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Việt Nam đã có Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu đặt ra của Chương trình là giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước xuống dưới 15% vẫn không đạt được.

Thậm chí, do kinh phí hạn chế nên chỉ có 30/63 tỉnh/thành có kế hoạch triển khai, số còn lại phải lồng ghép với các chương trình khác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay các địa phương cũng chưa có báo cáo thực hiện cụ thể.

Bà Hoa cho rằng: “Việc dạy bơi, học bơi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cần phải có cơ chế để xóa bỏ các nguy cơ. Nhiều trẻ dù biết bơi, vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có hồ bơi an toàn, phải bơi ở sông hồ. Đi bơi không có phao bơi, áo phao, đồ bảo hộ. Thậm chí, ngay tại nơi các em sống vẫn tồn tại các hố nước xây dựng, ao tù… là nơi có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước”.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới đuối nước, ông Nguyễn Trọng An – chuyên gia về trẻ em cho rằng: “Điều quan trọng không phải chỉ là dạy bơi, mà còn phải dạy cho trẻ những kỹ năng ở dưới nước an toàn. Ví dụ đi bơi ở ao, hồ thì phải có áo phao. Chỉ đi bơi khi có người lớn giám sát trên bờ. Khi gặp bất chắc thì phải xử lý, cấp cứu, cứu nạn thế nào. Thậm chí cha mẹ, nhà trường còn phải chủ động cung cấp hướng dẫn, chỉ cho các em những nơi có thể bơi lội an toàn, tránh xa những nơi sông suối, ao hồ, có vùng nước xoáy, nguy cơ cao”.

Ông An cũng kiến nghị, các bộ ngành có liên quan không nên chỉ dừng lại ở việc thí điểm dạy bơi, mà cần nâng lên thành một môn học chính khóa bắt buộc với trẻ em ở bậc tiểu học. Trong bộ môn bơi, cần dạy cả những kỹ năng xử lý khi ở dưới nước, kỹ năng cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cách lựa chọn bể bơi, nơi bơi an toàn.

img

Cần quy định bơi lội là môn học bắt buộc

Năm nào cũng vậy, cứ chớm hè là đã xuất hiện những vụ đuối nước thương tâm của trẻ em. Ở nhiều nước trên thế giới, môn bơi là nội dung bắt buộc trong chương trình tiểu học chứ không chỉ là môn học ngoại khoá, khuyến khích. Ở nước ta, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng, nhưng việc thực hiện bắt buộc vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Đây chính là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến trẻ em bị thiệt mạng trong các tai nạn đuối nước. Để giảm tình trạng này, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các huyện, xã cần tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng ứng phó với tai nạn thương tích, đuối nước dành cho trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau. Hiện, nhận thức của nhiều gia đình đã thay đổi. Tính mạng của con cái có an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào cố gắng của phụ huynh.

TS Vũ Thu Hương– giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

img

Giúp trẻ học cách sống an toàn

Hiện nay, các nội dung dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn chưa được quan tâm nhiều trong các chương trình giáo dục ở trường, lớp. Ngoài ra, nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý tập trung nhồi nhét kiến thức cho trẻ. Nghỉ hè, thay vì cho con tham gia các khóa học trải nghiệm, nâng cao kỹ năng tự phụ vụ, rèn luyện ngưỡng chịu đựng, xử lý các tình huống khi không có bố mẹ, nhiều gia đình lại tìm đến các lớp học thêm văn, toán, ngoại ngữ để bồi dưỡng thêm cho con. Trước khi bắt con học giỏi cha mẹ hãy giúp con học được cách sống an toàn.

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh

– Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt

img

Chi phí học bơi còn hơi cao

Nhà tôi ở quê, quanh khu vực này chẳng có bể bơi nào, cũng không có trường nào dạy bơi cho trẻ. Muốn cho con đi học bơi, tôi phải cho cháu đi xa, cách nhà hơn chục cây số. Thời gian không có, mà tiền học phí nghe nói cũng đắt, hơn 1 triệu/khóa nên dù rất muốn cho con đi học cũng không được. Chỉ hy vọng nhà trường có cơ chế, xây dựng bể bơi hoặc có cách nào đó để dạy bơi cho các cháu chứ nghe thấy đuối nước nhiều quá tôi cũng thấy lo.

Bà Nguyễn Thị Lan (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Nguyễn Thiêm - Thùy Anh (ghi)