Dân Việt

Sửa luật để chặn tận gốc cò đất, đầu nậu làm giá đất nền

Nguyễn Tường 19/05/2017 12:35 GMT+7
Đó là ý kiến của hầu hết nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trong bối cảnh quy định luật đang tạo kẽ hở để cò đất, đầu nậu lách luật làm giá đất nền.

img

Sốt ảo đất nền do cò đất, đầu nậu làm giá đang đe dọa băm nát quy hoạch

Biến dạng thị trường, băm nát quy hoạch

“Cơn sốt ảo đất nền trong thời gian qua là do bàn tay của cò đất, đầu nậu đạo diễn. Giới này lợi dụng kẽ hở của Quyết định 33 để mua gom đất rồi phân lô bán nền không theo quy định nào cả”- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nói trong buổi họp với UBND TP.HCM. Ông Châu khẳng định, không thể để đầu nậu lấy danh nghĩa người dân để mua gom đất, sau đó lợi dụng kẽ hở của pháp luật cộng thêm sự tiếp tay của quan chức địa phương để băm nát bộ mặt đô thị, quy hoạch của TP.

“Kẽ hở” được chỉ ra trong Quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM là quy định quá thoáng trong việc tách thửa. Trong đó nội dung quan trọng là 2.000 m2 trở lên phải lập dự án có vẻ rất chặt chẽ nhưng vẫn bị “lách”. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, thời gian qua tình trạng tách thửa đất lớn ra thửa đất nhỏ, thậm chí “siêu nhỏ” khá phổ biến. Điều này không đảm bảo về hạn mức tối thiểu của căn nhà, thửa đất; không được xây dựng hạ tầng đảm bảo, làm tăng dân số, gây kẹt xe, ngập nước cục bộ. “Đa số các quận, huyện đều ủng hộ quy định 2.000 m2 trở lên phải lập dự án, hạn chế tách nhỏ thửa đất để kinh doanh, nên Sở mới đưa ra quy định này để hạn chế phân lô bán nền không đảm bảo hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng xã hội”, ông Thắng cho hay.

Tuy nhiên theo đại diện UBND H.Hóc Môn, với quy định buộc thửa đất trên 2.000 m2 phải lập dự án, thì người có đất và đặc biệt là các chủ đầu tư vẫn có thể lách được bằng nhiều cách để phân lô bán nền. Vì vậy, nên quy định những tiêu chí tối thiểu về hạ tầng giao thông khi thực hiện tách thửa đối với các khu đất có diện tích lớn.

Lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng không thể phủ nhận mặt tích cực của Quyết định 33 về việc phân lô tách thửa trong việc giúp người dân có nhu cầu thực tiếp cận được với nhà ở với giá vừa túi tiền. Tuy nhiên sau thời gian triển khai Quyết định 33, tình trạng phân lô bán nền nhỏ lẻ, tràn lan, không đúng quy hoạch, hạ tầng không đủ chuẩn, kết nối không đồng bộ... đã tạo sức ép và gánh nặng cho địa phương về hạ tầng xã hội, chất lượng sống của người dân kém. “Để xảy ra tình trạng này là do sự tiếp tay của chính quyền địa phương, thậm chí không ít chủ đầu tư của các khu đất phân lô bán nền “dưới chuẩn” là sân sau của các lãnh đạo địa phương”- vị này bức xúc.

Ràng buộc hạ tầng

Cũng theo đại diện DN, hầu hết DN đều ủng hộ Quyết định 33, tuy nhiên để có hiệu quả và phù hợp với thực tế, cần bổ sung các tiêu chí, điều kiện phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở vừa tránh tạo khe hở cho việc phân lô bán nền trái phép. Nên có quy định về diện tích tối thiểu, ví dụ quy mô dự án phải từ bao nhiêu m2 trở lên mới được phép phân lô hộ lẻ để đảm bảo mỹ quan đô thị và không phá nát quy hoạch.

imgDự án đất nền trên 2.000 m2 mới được tách thửa và phải đầu tư hạ tầng hoàn thiện

Cũng cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiêm của chủ đầu tư về chất lượng hạ tầng và hồ sơ pháp lý. Quy định cụ thể về việc đầu tư hạ tầng bài bản như phải có điện âm, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo sinh hoạt, bắt buộc phải có các tiện ích và mảng xanh như công viên nội khu, điểm sinh hoạt cộng đồng. “Quy định như vậy sẽ đưa thị trường vào quy cũ, hướng DN vào việc làm ăn đàng hoàng hơn và “gạn đục khơi trong”, thải loại bớt lực lượng cò đất, đầu nậu làm giá đất nền tạo sốt ảo, tránh “vàng thau lẫn lộn” và bát nháo như hiện nay”- ông nói.

Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho rằng quy định khống chế thửa đất từ trên 2.000 m2 phải lập dự án thì đầu nậu vẫn "né" được hết. Do đó điều quan trọng là phải kiểm soát được hạ tầng đúng chuẩn. Khi đó dù có tách theo dạng nào vẫn đảm bảo hạ tầng đô thị.

"Quyết định 33 sửa đổi chưa ban hành chính thức nhưng được chuẩn bị rất công phu để khắc phục những hạn chế của Quyết định cũ. Thành phố sẽ tiếp tục bàn bạc, thảo luận để hoàn thiện. Các đơn vị liên quan phải rà soát lại lần nữa nhằm góp ý, nêu được chính kiến, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven và ngoại thành. Để khi có quyết định sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33, địa phương sẽ có cơ sở quản lý cho tốt, tránh trường hợp bị lợi dụng, tạo ra các cò đất, “đầu nậu” về đất - nền. Dứt khoát không để tình trạng, sau khi ban hành xong, thì đổ thừa cho cái này chưa rõ, cái kia bị vướng"- Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa