Câu chuyện làm thế nào để giao tiếp với con thời hiện đại được BS Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ trong một buổi sáng cuối tuần tại trung tâm Anh ngữ Seameo (TP.HCM). Các phụ huynh đến dự khá đông, điều này cho thấy, con cái vẫn là mối quan tâm lớn nhất của chúng ta và rõ ràng là việc giao tiếp với con thời nay thật khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn những gì chúng ta tưởng.
Con giận dữ với cha mẹ
Xin kể câu chuyện sau: Minh, 15 tuổi, đang học thi, mẹ cậu đề nghị Minh phụ giúp nấu cơm, cậu bỏ đi lên lầu, không nói gì cả, ba cậu gọi xuống nhưng cậu vẫn lên. Một lát sau, ba cậu lên nói chuyện: Con có thấy là mình đã sống ích kỷ không. Con nghĩ rằng mọi người đều phải phục vụ con vì chuyện học. Con có biết rằng, dù con học giỏi đến mấy mà con trở thành kẻ ích kỷ như thế này thì cũng là vô nghĩa. Con học cho tương lai của chính mình mà, tại sao con lại cho mình có quyền nhận được sự phục vụ của tất cả mọi người vì con? Nếu con học thật nhiều mà trở thành người như thế này thì ba mẹ không cần.
Cho con ra ngoài với thiên nhiên là cách để con giao tiếp tốt nhất với cộng đồng sau bốn bức tường của trường học, gia đình với máy tính. Ảnh: Trần Hoài Thu.
Một lát sau, Minh quay xuống, cậu nói: Con xin lỗi ba mẹ, tại con bị căng thẳng quá, không muốn nói chuyện với ai, trong đầu con chỉ toàn là công thức, mắt con thì cay và mỏi vì nhìn máy tính nhiều. Con mệt nên đã không biết mình đang hành động gì. Con hiểu rồi, mẹ cần gì con sẽ giúp.
BS Đỗ Hồng Ngọc đặt câu hỏi: Thời hiện đại là thời gì? – Thời nào cũng là thời hiện đại. Ông tự trả lời, nhưng quả thực thời hôm nay khác thời xưa lắm. Có một khoảng cách không gian kỳ lạ đang được thiết lập với con người trong kỷ nguyên internet ngày nay. Chúng ta có thể kết nối với người bạn ở nửa vòng trái đất chỉ trong một cái chạm, nhưng chúng ta lại bỏ người thân của mình ra xa dù họ đang ngồi ngay cạnh mình cũng chỉ vì thói quen “chạm”. Chúng ta có thể nói đủ chuyện trên trời dưới đất với người cách xa nửa vòng trái đất qua smartphone, nhưng chúng ta lại không giao tiếp gì với người ngồi bên cạnh chúng ta bằng lời nói thông thường, mà có khi cũng bằng smartphone. Hai người yêu nhau ngồi bấm điện thoại, hỏi ra mới biết họ gởi tin nhắn cho nhau. Điều này thật kỳ lạ.
Đứa trẻ ngày xưa sáu tháng đang tập bò và nhận biết thế giới chung quanh qua những vật nó cầm, nắm, lượm, nhặt được… đứa trẻ ngày nay sáu tháng đã biết “chạm” màn hình, hai tuổi đã biết nói, sử dụng điện thoại rất lành nghề. Đến khi chúng lớn, những người trò chuyện với chúng, chủ yếu qua màn hình, còn người thân của chúng, đôi khi hò hét thật khản cổ, đỏ họng chúng còn chẳng buồn ơi.
Thời đại phát triển, một đứa trẻ sinh ra bình thường cũng sẽ không còn bình thường nữa, thay vào đó là những đứa trẻ được thụ tinh nhân tạo. Người ta có thể chọn trứng, tinh trùng, màu mắt, màu tóc, dáng người bằng cách chọn từ gen và làm tử cung nhân tạo cho cả đàn ông mang bầu… khoa học để phục vụ con người, tốt thôi. Nhưng robot thì không thể thay thế con người vì không có loài nào có chỉ số thông minh và cảm xúc cao bằng con người, bắt nguồn từ trí não, về cơ bản, chính là sự sinh sản thuận theo tự nhiên bấy lâu. Phá vỡ sự cân bằng này, có thể có cái ta muốn nhưng sẽ trả giá bằng cái mất mát khó đoán định được.
Những căn bệnh thời đại
SAD là viết tắt của ba chữ: Stress, Anxiety, Depression, nghĩa là Căng thẳng, Lo âu và Trầm cảm. Đây là căn bệnh của thời nay, với người lớn có nguồn gốc từ công việc, với trẻ em có nguồn gốc từ học hành và từ sự đòi hỏi của cha mẹ đối với chúng. Dù câu chuyện trên, ông bố rất hợp lý khi giải thích về thái độ của con là sai với cha mẹ, nhưng nguyên nhân của điều này thì ông không nói. Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện chính vì áp lực của điểm số và thi cử khiến con ông bị căng thẳng, lo âu dẫn đến trầm cảm nên có cư xử thô lỗ, cộc cằn vì chính bản thân cậu bé đang bị dằn vặt. Có nhiều cha mẹ từ thuở nhỏ học không giỏi, khi sinh con ra thì muốn con học thật giỏi và phải theo nghề mà mình mong muốn để “phục thù”. Sai lầm lớn nhất của việc dạy con nằm ở chỗ chỉ mong cho con mình làm theo đúng ý mình và lần hồi, cho rằng ý mình mới là đúng và bắt con phải xem ý muốn của mình là chân lý. Sự tôn trọng quyền làm người được là chính mình là điều thiết yếu nhất để giải toả căng thẳng trong mối quan hệ này.
Ngoài ra, việc dạy con theo “ông Google” cũng là một quan niệm sai lầm mà hầu hết các bố mẹ trẻ hiện nay đều mắc phải. “Cái gì không biết thì tra Google”, một câu dân gian mới của thời nay. Nhưng với hàng triệu kết quả cho mỗi câu hỏi của mình thì mình sẽ chọn câu hỏi nào, hay bắt đầu rối loạn trí nhớ, và cuối cùng chọn đại một cách để áp lên con mình thay vì lắng nghe chính con, là điều đầu tiên để “chẩn đoán” để có cách giao tiếp.
Một bà mẹ hỏi vì sao con của bà luôn chống lại bà và là người rất thích tranh đua, nếu thua bạn chỉ 0,1 điểm số, nó sẽ đau khổ mãi. “Vậy bà hãy coi lại chồng mình, có thể ông ấy là người thành đạt kiêu ngạo và cũng cổ vũ cho sự tranh đua chăng?”. Trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Ở lứa tuổi dậy thì, đòi hỏi về được “một mình”, được “tự lập” đã khiến cho đứa trẻ không còn quen với sự áp đặt của bố mẹ nữa, vì vậy thay vì căng thẳng với con, hãy hỏi: “Con có muốn gì không, mẹ sẽ nghe lời con”. Ngoài ra có thể nhờ cô dì chú bác hoặc bạn thân gợi chuyện và tuyệt đối tôn trọng con. Nếu bản thân cha mẹ bị căng thẳng mà nói chuyện với con trong tình trạng đó thì ngay lập tức sẽ nhận được phản ứng mạnh hơn từ con. Mặt khác việc so sánh con với những đứa trẻ khác sẽ phần nào khiến chúng có tính ganh đua, hơn thua và cay cú. Để nói chuyện với con, cha mẹ cần có đức tính quý báu là chân thành. Sự chân thành mới gợi mở được câu chuyện. Sau đó mới là sự thấu cảm, đặt mình vào vị trí của con để chia sẻ. Cuối cùng là không bao giờ được làm nhục con trước mặt người khác bằng cách chê bai, tỏ ra khinh thường con.
Một trong những điều cha mẹ cần chú trọng trong thời nay, chính là đưa con ra ngoài với thiên nhiên để con tránh bốn bức tường giam hãm mình ở nhà trường, gia đình với máy tính. Dẫu sao, một ngôi trường mở cửa vẫn tốt hơn là đóng cả ngày cách ly con với thế giới bên ngoài. Một ngôi nhà mở cửa cho con đi chơi chính là mở ra những con đường cho con đến với tương lai.