Dân Việt

Bệnh truyền nhiễm mới diễn biến phức tạp

19/09/2011 14:53 GMT+7
(Dân Việt) - Tại Hội nghị khoa học truyền nhiễm toàn quốc tổ chức ngày 16.9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Bệnh truyền nhiễm nếu không có cách điều trị và giải pháp khống chế tốt sẽ gây ra hậu quả khôn lường vì cơ chế lây lan bệnh nhanh, tỷ lệ tử vong cao.

“Diễn biến phức tạp”

Đó là nhận định chung của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền nhiễm. GS Phạm Song- Chủ tịch Tổng hội Y Dược học VN khẳng định: "Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm mới nổi tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như SARS, cúm, sốt xuất huyết, HIV/AIDS, liên cầu lợn, tay chân miệng".

img
Không sát khuẩn, bệnh viện sẽ trở thành mối nguy gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân (ảnh minh họa).

Phân tích về các yếu tố gây nguy cơ, TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay: "Một trong số nhiều yếu tố làm cho bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp là do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự thích nghi và biến đổi của mầm bệnh".

Theo TS Kính, trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khống chế được nhiều dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả cao với tỷ lệ tiêm chủng trên 90%.

Một số bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán như bệnh đậu mùa, bại liệt, phong... Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được khống chế như SARS, cúm A (H5N1), H1N1, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi vẫn còn đó.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong 7 tháng của năm 2011, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước là gần 29.000 trường hợp, 28 trường hợp tử vong. Riêng dịch bệnh tay chân miệng, tính đến đầu tháng 9, trên toàn quốc đã ghi nhận gần 43.000 trường hợp, trong đó có 98 trường hợp tử vong. Các bệnh nhiễm khuẩn khác cũng có số bệnh nhân lớn, vì vậy, việc khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân và sinh hoạt sạch sẽ trở thành mục tiêu quan trọng để kiểm soát bệnh trong cộng đồng.

Báo động nhiễm khuẩn bệnh viện

Một trong những quan ngại khác của các chuyên gia trong ngành y tế chính là tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây nên tình trạng bội nhiễm và cũng là nguyên nhân làm vi khuẩn gây nhiễm trùng ngày càng đa kháng thuốc.

TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội đồng Chống nhiễm khuẩn TP.HCM thừa nhận: "Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đang ở mức báo động khi các bệnh viện bị quá tải trầm trọng. Nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa, nhất là khoa hồi sức cấp cứu và khoa ngoại". Vi khuẩn có thể có mặt ở khắp mọi nơi trong bệnh viện, từ phòng mổ đến những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, quần áo. Thậm chí, cả nắm cửa phòng, máy điều hòa... nếu không được khử khuẩn.

Hiện nay, trong 10 bệnh nhiều người mắc tại Việt Nam có tới 4 bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn. Vì vậy, loại bệnh này đang được ngành y tế ưu tiên tìm giải pháp hạn chế.

Bộ Y tế đã có Thông tư 18 quy định tất cả mọi người khi tiếp xúc với bệnh nhân đều phải rửa tay, nhưng do không có kinh phí chi cho hoạt động chống nhiễm khuẩn nên nhiều bệnh viện cũng đành bó tay.

Theo một số nghiên cứu khoa học của khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các ca nhiễm trùng bệnh viện thường có triệu chứng lâm sàng nặng nhưng lại khó tiên lượng do nhiều vi khuẩn gây bệnh đa kháng thuốc. Trong đó, thủ phạm gây nhiễm khuẩn bệnh viện hàng đầu là vi khuẩn E.coli (chiếm 16-18%), vi khuẩn Acinetobacter baumanii (15-16%).

Nguy hiểm hơn cả, vi khuẩn Acinetobacter baumanii phân lập được tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác đã kháng với tất cả các nhóm kháng sinh, chỉ còn nhạy duy nhất với Colistin. Tuy nhiên, Colistin là kháng sinh hiện không có sẵn trong bệnh viện, việc mua thuốc trên thị trường tự do thường không đảm bảo về nguồn gốc...