Vì nhu cầu đi lại đa dạng của người dân
Liên quan đến việc HHVT HN đề xuất lên Chính phủ cho xe buýt dưới 17 chỗ và xe chạy bằng điện hoạt động trong thành phố ở Hà Nội và TP.HCM mà không cần luồng tuyến cố định, bến bãi, ngày 19.5, chia sẻ với PV Dân Việt, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch HHVT HN cho biết, xe buýt cố định trên địa bàn Hà Nội hiện nay đóng góp rất nhiều cho nhu cầu đi lại của người dân và hạn chế được phương tiện cá nhân.
Theo Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco), mạng lưới xe buýt ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại. Ảnh: Thành An
Tuy nhiên do chạy cố định trên một trục đường cho nên xe buýt không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân muốn đi đa dạng. Vì vậy, HHVT HN kiến nghị sử dụng xe từ 12 đến 16 chỗ để phù hợp với thực trạng giao thông, cầu đường hiện nay.
Ông Liên cho rằng, loại hình xe này có tính kết nối cao, có thể đi lại trong các đường, ngõ nhỏ. “Nó rất linh hoạt theo nhu cầu của người dân và thuận lợi với thực trạng giao thông đô thị của Hà Nội. Không những vậy, loại hình xe đầu cơ, xe điện này có thể chạy cả ngày lẫn đêm, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông. Chi phí của các xe này chỉ khoảng 500-600 triệu thấp hơn rất nhiều so với xe buýt cố định” – ông Liên nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của người dân về việc loại hình phương tiện này sẽ làm tăng phương tiện dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng, Chủ tịch HHVT HN cho rằng: “Vậy ta đặt câu hỏi là tăng thêm như thế nào? Chúng ta cho các loại xe taxi uber, grab tham gia giao thông, các cá nhân vẫn cứ mua xe tự do ồ ạt… đó mới chính là làm tăng ùn tắc giao thông. Còn đây là tăng thêm phương tiện giao thông công cộng phục vụ cho nhu cầu của người dân cho nên không thể thấy ùn tắc giao thông là giảm các phương tiện giao thông công cộng khác”.
Chia sẻ về việc quản lý loại hình phương tiện này, người đứng đầu HHVT HN cho rằng không nên đặt nặng vấn đề quản lý, chỉ cần quản lý theo tiêu chí là đủ: “Xe này cũng giống như xe tư nhân làm gì phải quản lý, chỉ cần quản lý đăng kiểm, quản lý thuế, quản lý người lái là đủ rồi”.
Về tính cước đối với loại hình này, theo ông Liên có 2 cách tính cước, một là tính theo kilomet hoạt động, hai là theo hình thức khoán, làm giá luôn.
Ông Liên mong muốn, để tránh dẫn đến tình trạng dư thừa, lãng phí khi thực hiện đề xuất trên, thời điểm này, cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ và giao cho đơn vị, cá nhân có năng lực về tài chính, quản lý để thí điểm đưa vào hoạt động, số lượng xe sản xuất không nên ồ ạt mà phải cân đối với nhu cầu của người dân.
Không nên thả nổi
Người dân chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Thành An
Nói về đề xuất trên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, các quy định hiện hành chưa cho phép xe buýt được đón trả khách như taxi. Do đó, nếu Chính phủ chấp thuận đề xuất này thì cần tổ chức thí điểm ở các thành phố, đồng thời nên khảo sát nhu cầu hành khách để tránh lãng phí, vì hiện nhiều tuyến buýt nội đô còn vắng khách.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội rằng: Về loại hình phương tiện trên đối với giao thông công cộng thì cần, nhưng không có bến bãi thì phải quy hoạch các điểm dừng, điểm đón, nước ngoài cũng đều làm thế.
“Chúng ta nên học bài học của các nước khác đó là nên xác định các điểm dừng – đón – đỗ thích hợp thì ta sẽ phát triển tốt các loại hình xe dưới 17 chỗ và khuyến khích người dân đi bộ. Không nên thả nổi các loại hình phương tiện giao thông vì bất cứ lý do gì. Tôi khuyến khích các loại hình phương tiện giao thông công cộng quy mô nhỏ nhưng nên xác định hệ thống mạng lưới các điểm dừng – đỗ - đón không sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, ách tắc, mất an toàn giao thông,khó quản lý”.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Mỹ và một số nước châu Âu đều xác định các điểm dừng – đón – đỗ xe buýt và họ quy hoạch các điểm dừng thuận lợi để người dân có thể đi bộ về nhà, đến cơ quan…
Đề xuất cho xe buýt dưới 17 chỗ hoạt động như taxi Ngày 14.5, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội đã kiến nghị Chính Phủ một số giải pháp cho ngành giao thông nhằm giảm ùn tắc ở các đô thị. Trong đó, Hiệp hội đề xuất các thành phố lớn cho phép xe buýt dưới 17 chỗ và xe chạy bằng điện hoạt động. Loại hình này chạy theo nhu cầu của khách để kết nối bến xe, nhà ga, sân bay, khu đô thị nhằm giảm bớt và thay thế tuyến xe buýt cố định. Các phương tiện trên không cần luồng tuyến cố định và bến bãi, chỉ cần đăng ký phương tiện, người lái, giá cước và được đón trả khách như taxi. |