Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2017 với doanh thu thuần ghi nhận đạt 824 tỷ đồng, giảm 58% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với năm trước.
Công ty của bầu Đức chỉ lãi rất khiêm tốn trong quý 1.2017 (Ảnh: IT)
Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu của HAGL, doanh thu bán bò trong quý 1.2017 chỉ còn 196 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.233 tỷ đồng trong quý 1.2016. Tuy nhiên, doanh thu từ dịch vụ cho thuê, cung cấp dịch vụ khác thì lại tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt lần lượt là 176 tỷ và 143 tỷ.
Về mảng cao su, doanh thu bán mủ cao su trong quý 1.2017 của HAGL đạt gần 57 tỷ đồng.
Mảng đường, ngô, bất động sản thì HAGL không còn ghi nhận doanh thu.
Hoạt động tài chính tiếp tục âm (-) 107 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay, cộng thêm khoản lỗ gần 12 tỷ đồng từ công ty liên kết nên sau khi trừ các loại chi phí khác, HAG lỗ thuần gần 32 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn có lãi 105 tỷ đồng).
Mặc dù hoạt động kinh doanh lỗ thuần gần 32 tỷ đồng do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn so với lợi nhuận gộp, nhưng bù lại HAGL có khoản lợi nhuận khác lên đến 40 tỷ đồng nhờ thanh lý tài sản (cùng kỳ âm 18 tỷ đồng), nên tổng kết HAGL đã có lãi sau 3 quý thua lỗ liên tục, dù chỉ đạt mức lãi ròng vỏn vẹn 5,8 tỷ đồng, bằng 8% so cùng kỳ .
Ngoài ra, tính đến 31.3.2017, tổng vay nợ của HAGL là 25.784 tỷ đồng, giảm 857 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vay ngắn hạn của HAGL là 4.916 tỷ đồng, vay dài hạn cũng giảm xuống nhiều nhưng vẫn còn tới 20.869 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, một nguồn tin từ Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) vừa cho biết đã chi ra 1.330 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ đồng vốn góp, tương đương 100% vốn điều lệ của HAGL Sugar. Trong đó BHS sở hữu 60% và TTC Tây Ninh sở hữu 40%.
Như vậy, thương vụ mua bán mảng mía đường giữa HAGL và TTC Group đã chính thức thành công với việc TTC Group đã chính thức sở hữu 100% vốn điều lệ của HAGL Sugar.
Được biết, trước đó Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM quyết định đưa cổ phiếu HAG vào diện cảnh báo kể từ ngày 12.05.2017. Lý do là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là âm (-) 1.115 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.412 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Cùng ngày, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HNG) cũng bị đưa vào diện cảnh báo. Lý do là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là âm (-) 985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.142 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Trong vòng 1 tuần giao dịch gần đây, 2 mã cổ phiếu HAG và HNG của bầu Đức đều tăng mạnh. Cụ thể, trong 6 phiên liên tiếp, cổ phiếu HNG có 5 phiên tăng từ mức giá 10.900 đồng/CP lên 11.550 đồng/CP; trong khi đó, cổ phiếu HAG cũng có 5 phiên tăng liên tiếp từ mức giá 8.520 đồng/CP lên 9.000 đồng/CP. |