Dự VCK U20 World Cup là một thành tựu
Phóng viên: - Chào Stevens! Gần đây anh có nghe nói về chiến tích lọt vào VCK U20 World Cup của U20 Việt Nam không?
Errol Stevens: Vâng, tất nhiên rồi. Gia đình tôi đã sinh sống ở Việt Nam trong 3 năm. Cháu thứ nhất của tôi sinh ra ở đây và đứa thứ hai sắp tới cũng vậy. Chúng tôi xem Việt Nam như ngôi nhà thứ 2 và dĩ nhiên luôn theo dõi các giải đấu có sự góp mặt của ĐTQG các bạn.
Đối với U20 Việt Nam và việc giành quyền dự VCK U20 World Cup 2017, tôi phải chúc mừng họ rất nhiều. Đó thực sự là một thành tựu với bất kỳ nền bóng đá nào.
- Anh đánh giá thế nào về màn trình diễn của đội U20 Việt Nam trong trong trận giao hữu với U20 Argentina tuần trước?
Đó là trận đấu chính thức đầu tiên mà tôi được tận mắt theo dõi các cầu thủ U20 Việt Nam. Tôi sẽ không bàn về mặt tỷ số vì U20 Argentina ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Điều quan trọng là, các bạn đã có được một trải nghiệm bổ ích và rút tỉa những bài học ý nghĩa để chuẩn bị cho giải đấu tại Hàn Quốc.
- Chơi bóng ở Việt Nam 3 năm, anh có thể nói một chút về công tác đào tạo trẻ ở đây được không?
Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng bóng đá trẻ rất lớn. Tôi hoàn toàn tin rằng, nhiều cầu thủ trẻ sẽ tiến đến cấp độ như những đồng nghiệp tại U20 Việt Nam lúc này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các CLB tại V.League cần đầu tư nhiều hơn cho học viện bóng đá trẻ. Bằng không, các bạn sẽ không thể khai thác tối đa những mầm non chất lượng bên ngoài kia.
- Có sự khác biệt nào về bóng đá giữa Việt Nam và quê hương anh Jamaica không Stevens?
Chúng ta không thể so sánh giữa Việt Nam và Jamaica. Đất nước chúng tôi khá nhỏ và chỉ có 2,5 triệu dân. Tại Jamaica, điền kinh chứ không phải bóng đá mới là bộ môn thể thao được yêu thích nhất. Chúng tôi có Usain Bolt và rất nhiều vận động viên chạy nước rút cừ khôi khác.
Bóng đá ở đây chỉ phát triển từ năm 1998. Khi đó, đội tuyển Jamaica lần đầu tiên giành quyền tham dự một kỳ World Cup. Chúng tôi chỉ sở hữu một số đội bóng nhỏ và học viện bóng đá đầu tiên thành lập cách đây 1-2 năm. Ngày còn bé, tôi chỉ học cách đá bóng qua ti vi và “thực hành” chúng trên đường phố mà thôi (cười).
Một tình huống tả xung hữu đột của Errol Stevens.
Nhớ Văn Thắng, yêu Hải Phòng
- Anh cảm thấy như thế nào về Lê Văn Thắng, người vừa chia tay Hải Phòng để chuyển đến FLC Thanh Hóa?
Tôi đã mất đi người đồng đội tốt nhất. Điều đó khiến tôi cảm thấy thất vọng. Nhưng bạn biết đấy, tôi là một cầu thủ và chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình mà thôi.
- Mục tiêu của anh cùng Hải Phòng trong mùa giải này là gì?
Cũng giống như mọi cầu thủ, tôi cố gắng giúp đỡ đội bóng bằng điều tốt nhất mình có thể. Ghi bàn chẳng hạn. Tôi muốn làm điều đó mỗi trận đấu, nhưng cũng hiểu rằng, quyền lợi của đội luôn là số 1. Về việc cạnh tranh danh hiệu vô địch, tôi nghĩ sẽ rất khó, đặc biệt là khi Hải Phòng vừa mất đi cầu thủ nội tốt nhất.
- Anh có gặp khó khăn nào khi chơi bóng ở Việt Nam không?
Chỉ có một vấn đề duy nhất là ngôn ngữ. Tôi cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên, trên sân cỏ thì mọi việc hoàn toàn ổn. Anh thấy đấy, tôi ghi bàn đều đặn và là một trong những chân sút hay nhất giải đấu. (cười lớn)
- Ở tuổi 30, Stevens đã có dự định gì cho những năm kế tiếp của sự nghiệp?
Thành thực mà nói, tôi cảm thấy thoải mái với cuộc sống ở đây. HLV trưởng là người rất tốt, chân thật và khiêm tốn. Hợp đồng giữa tôi và đội bóng sẽ kết thúc cuối mùa. Tôi cần bàn bạc thật kỹ với gia đình trước khi đưa ra quyết định.