Đang công tác tại Bệnh viện huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), bác sĩ CiL Khoa tình nguyện chuyển về xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã. Bằng lòng nhiệt huyết của mình, CiL Khoa đã lên cả rừng để đỡ đẻ cho đồng bào.
Ở nơi nhiều không
Nghe tôi ngỏ ý muốn cùng vào buôn Klong Ơn (đầu nguồn Thủy điện Đa Nhim), CiL Khoa chạy vào phòng ngủ của mình, lôi ra đôi ủng cao đến đầu gối, ướm vào chân tôi rồi nói: “Nhà báo muốn vào buôn Klong Ơn thì phải đi cái này vào mà tránh vắt bâu, rắn cắn”.
Trẻ em thôn KLong Ơn nướng rắn để ăn. |
Nghe tôi thắc mắc sao cái thôn chỉ cách trung tâm xã chưa đến 1km này, lại có những chuyện như xứ miệt rừng U Minh hoang vu nơi miền Tây Nam Bộ, CiL Khoa cười và nói như đánh đố: “Anh đi rồi khắc biết thôi”.
Đút chân vào đôi ủng cao đến đầu gối, tôi lẽo đẽo theo CiL Khoa lội bộ vào cái nơi nhiều người chỉ nghe nhắc đến thôi cũng thấy lạnh sống lưng vì rắn độc luôn rình rập. Sau khi đã lọt vào lòng chảo của những con suối chằng chịt và những sình lầy nhão nhoét, CiL Khoa như một người bản địa thuộc làu vùng này, nói:
“Nơi này hứng trọn toàn bộ nước của những cánh rừng nguyên sinh trong khu vực Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tạo thành một túi nước khổng lồ nơi sinh thuỷ của dòng suối Đa Nhim và tạo ra một Thuỷ điện Đa Nhim hùng vĩ. Tuy nhiên đồng bào dân tộc Chill nơi đây vẫn sống cuộc sống của cái thuở hồng hoang, quen săn bắt và kiếm ăn trong rừng”.
Câu chuyện của CiL Khoa với tôi bị cắt ngang bởi một lũ trẻ đang hò reo ầm ĩ. Chúng nhảy tõm xuống dòng nước đang chảy vắt qua bãi sình, rồi tụm lại với nhau như đang tìm kiếm cái gì đó. Đột nhiên bé trai khoảng 9 tuổi đen nhẻm, dơ cao lên đầu một con rắn nó vừa tóm được, con rắn oằn oại quấn chặt vào cổ tay đen sì của nó, nhưng vẫn không thoát được, vì cái đầu đã bị túm chặt.
Theo chân những đứa trẻ chúng tôi chui vào một ngôi nhà lá, tường gỗ, rộng không quá 20m2. Ngoài chỗ ngủ được đóng bằng mấy tấm ván ra, phần còn lại dùng để làm bếp. Đám trẻ như đã thành thạo với công việc nấu ăn, chúng dùng tay kéo những con rắn vừa bắt được thẳng đơ ra, rồi hơ trên bếp lửa.
CiL Khoa nháy mắt với tôi: “Nhà báo muốn chén thịt rắn nướng - đặc sản Đa Nhim thì tí nữa tôi xin cho một khúc mà thưởng thức”. Dụi mắt vì khói, thằng bé Bon Tô Hà Bình cho tôi biết: “Bố mẹ đi làm nương hết rồi, tối mới về, ở nhà phải tự tìm thức ăn thôi”.
Nguồn thực phẩm tươi sống của lũ trẻ là những thứ chúng săn được trên bãi sình lầy, gồm: Rắn, nhái và chuột. Con gì cũng chỉ có một cách chế biến là nướng, cộng với gia vị muối ớt là chén. Nhìn lũ trẻ lột da những con rắn vừa nướng, bóc thịt chấm muối chén ngon lành khiến tôi liên tưởng tới những thổ dân rừng rậm Nam Mỹ.
CiL Khoa nói: “Thỉnh thoảng “tào tháo” cũng hỏi thăm, nhưng từ khi có trạm y tế bọn chúng cũng biết cõng nhau lên xin thuốc. Tất cả trẻ em ở đây đứa nào cũng mang đầy một bụng giun, bị còi cọc chậm phát triển”.
Ngừng một lát, bác sĩ Khoa cho biết thêm: “Đồng bào ở đây chỉ có mỗi chỗ ngủ, còn việc vệ sinh thì bạ đâu đi luôn ra đấy, tắm giặt cũng chỉ dùng nước suối nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Cán bộ trạm y tế liên tục xuống vận động nhưng bà con mới chỉ thay đổi được điều duy nhất là ốm thì đi khám, xin thuốc, như vậy là tốt lắm rồi”.
Bác sĩ CiL Khoa đang chuẩn bị bữa ăn. |
Được coi là có trình độ cao nhất buôn (học đến lớp 11), Kơ Đơn Hà Rê hiện đang làm Bí thư Đoàn xã. Hà Rê cho biết: “Ở đây đồng bào vẫn nghèo lắm, vì còn nhiều tập tục lạc hậu. Đám ma thì ăn uống đến 3 ngày, còn đám cưới thì nhà ai đông con gái coi như vỡ nợ, mỗi lần đi bắt chồng phải mất ba, bốn con bò cho nhà trai. Dân cư sống giữa bãi lầy này cứ mùa mưa là ngập trắng băng, rắn rết, cóc nhái tìm cả vào nhà ngủ cùng người. Nhiều lần rắn độc đã cắn chết người trong buôn.
Ở đây không có đường đi, không có luôn cả điện, nên gà lên chuồng là cả buôn cũng đi ngủ. Có lẽ vì thế mà dân số cứ ngày càng tăng, nhà nào con cái cũng lít nhít. May vừa rồi trạm y tế vận động được một số chị em đặt cái vòng tránh thai, nên dân số năm nay không còn tăng sòn sòn như mấy năm trước nữa”.
Bác sĩ lên rừng đỡ đẻ
Chưa hoàn hồn với cảnh những đứa trẻ con ăn rắn như làm xiếc ở buôn KLong Ơn, bác sĩ Khoa còn cho tôi biết anh thường xuyên phải lên rừng đỡ đẻ cho đồng bào. Số là toàn xã Đạ Chais có 5 buôn, trải rộng bằng cả 1 huyện ở đồng bằng.
CiL Khoa bảo: “Do đa số đồng bào còn lạc hậu, có thai ngày nào cũng không biết, cũng chẳng đi thăm khám bao giờ nên cứ lên rẫy ở cho đến tận ngày sinh. Nhiều người đến lúc đau quá không về được nữa, người nhà mới chạy về trạm y tế gọi bác sĩ”.
Mới đây nhất, chị K Reo, ở buôn Điêng Cơ Si thai đã to vẫn cùng chồng đi khai hoang rẫy tít trong rừng, nửa đêm nổi cơn trở dạ, không biết làm thế nào, anh chồng đành để vợ vật vã giữa rừng, chạy về gọi bác sĩ Khoa.
Cũng chẳng kịp hỏi han gì, CiL Khoa xách đồ nghề băng gạc, giấy bản băng rừng hơn 2 giờ đồng hồ mới tới nơi. Chị K Reo lúc này đã bị vỡ ối, mà cái thai lại ngôi ngược. Bác sĩ Khoa hối thúc anh chồng đi chặt cây, buộc lại làm 2 cái chạc, gác chân sản phụ lên, rồi hướng dẫn chị cách nín hơi, rặn, và nhẹ nhàng dùng tay kéo đứa bé ra.
Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn, anh Khoa đã giúp chị K Reo mẹ tròn con vuông, lúc thằng bé cất tiếng khóc chào đời thì trời cũng vừa sáng. Nhớ lại lúc đó anh Khoa nói: “Chuyện đỡ đẻ thì không khó, chỉ cần hướng dẫn cho sản phụ, họ thực hiện theo chỉ dẫn của mình là yên tâm. Rất may là sống với đồng bào lâu năm, nói được tiếng đồng bào, mình mới hướng dẫn được vụ này”.
Kể từ khi về công tác tại Trạm Y tế xã Đạ Chais, bác sĩ Khoa đã có 6 lần phải lên rừng đỡ đẻ, còn những lần đồng bào gọi đến nhà giúp vợ sinh thì không nhớ nổi. Giải thích về điều này, CiL Khoa bảo: “Đồng bào ở đây trước kia rất giữ ý và xấu hổ khi để người khác nhìn thấy cơ thể mình. Vì vậy khi sinh nở họ không dám đến trạm y tế, chúng tôi phải vận động mãi họ mới bắt đầu có thói quen này. Bây giờ công tác khám chữa bệnh, theo dõi sức khoẻ cộng đồng của chúng tôi đã nhận được sự hợp tác của bà con”.
Bác sĩ CiL Khoa
Theo CiL Khoa, năm 2006 chỉ có 54 chị em áp dụng biện pháp tránh thai, nhưng qua vận động tuyên truyền của trạm y tế, con số này đã tăng lên 121 người năm 2007.
“Làm được điều này đã là một thành công với những người đi cắm bản như chúng tôi, bởi lúc nào trạm y tế cũng phải cáng đáng cả một núi công việc. Chúng tôi phải tuyên truyền cho bà con chăm sóc trẻ để hạ bớt tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.
Trước kia 100% các cháu dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, nay sau nhiều năm phấn đấu chúng tôi đã rút xuống được con số 41,7%. Rồi cả việc vận động đồng bào làm hố xí hợp vệ sinh, giếng nước sạch cũng đến tay trạm y tế xã. Cả trạm có 5 người, lúc nào cũng tối mắt tối mũi với công việc khám chữa bệnh, vận động đồng bào ăn ở sạch, sống khoa học”.
Tuy vất vả là vậy nhưng mức lương và phụ cấp của các y, bác sĩ ở trạm rất thấp, là bác sĩ trưởng trạm nhưng tổng thu nhập của CiL Khoa cũng chỉ được 1,8 triệu đồng, còn các anh em khác thì thấp hơn nữa. Vì vậy mà cuộc sống của họ cũng lay lắt qua ngày, một tháng chỉ dám về nhà một lần, dù nhà chỉ cách nơi làm việc ngót 100km.
Gia Tưởng