Vào thời điểm này năm ngoái, ở Hậu Giang đã thu hoạch gần như toàn bộ diện tích mía. Thế nhưng năm nay, dù đã có sự trợ giúp của Bộ NNPTNT nhưng hiện vẫn còn gần 30% diện tích mía của nông dân đang chết đứng trên ruộng.
Nông dân đưa mía ra nơi tập kết, chuẩn bị cân tại huyện Phụng Hiệp. |
Vỡ kế hoạch
Bà con trồng mía tại huyện Phụng Hiệp cho biết, để thu hoạch một hécta mía với 10 nhân công làm việc thì phải tốn ít nhất 10 ngày. Việc cam kết tiêu thụ hết mía cho nông dân trong tháng 11 dường như không thể thực hiện được.
Thống kê của Sở NNPTNT Hậu Giang cho biết, huyện Phụng Hiệp hiện còn khoảng 950ha mía của nông dân chưa được tiêu thụ, tập trung ở các xã Tân Phước Hưng, Hòa An, Phương Bình, Phương Phú.
“Cả xã Hòa An còn khoảng 70ha mía của nông dân chưa thể thu hoạch được, thương lái chê mía xấu, mua sẽ không có lời, nên bà con cũng đành chịu” - ông Trần Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết.
Theo phản ánh của nhiều nông dân, ruộng mía không được thu hoạch đúng thời vụ đã bắt đầu khô lá, trổ cờ, khô đọt rồi chết dần hoặc mía bị giảm chất lượng rất nhiều. Số mía này không muốn nói rằng không thể bán được.
“Thương lái mua mía không cho đốn trước, khi ghe tới ruộng mới đốn, đốn ngày nào cân ngày đó nên tiến độ thu hoạch rất chậm. Ruộng mía của tôi lấy tiền cọc gần một tháng, nhưng tới nay mới có ghe tới cân” - ông Lê Văn Kiệp, ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết.
Tại các xã Hòa An, Hiệp Hưng, thị trấn Bún Tàu, mía cũng đang bị chết cây do sâu đục thân và ngập lũ, giảm năng suất từ 20-30% khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên.
Hết mong mía tăng giá
Không chỉ tiêu thụ mía chậm trễ, hy vọng được bán mía với giá cao như vụ mía năm ngoái của bà con nông dân đã không còn khi thương lái ngày càng làm ngơ với cây mía, giá mía cũng liên tục sụt giảm.
Theo đó, các nhà máy đường cam kết sẽ thu mua mía nguyên liệu với giá đảm bảo có lãi cho nông dân. Cụ thể, mía giống Roc11, 13 ít nhất có giá 950 -1.000 đồng/kg, loại mía Roc 16 - giống mía có chữ lượng đường cao nhất so với các loại khác có giá từ 1.100 - 1.200 đồng/kg. Thế nhưng đến nay, giá mía nhiều nơi chỉ còn 600 – 700 đồng/kg mà cũng không có người mua.
“Hồi mới vào vụ mía, tôi cứ nghĩ khi nhà máy nâng công suất giá sẽ tăng lên, ai ngờ càng về cuối vụ giá chẳng những không tăng mà ngược lại, có xu hướng giảm xuống” - ông Võ Văn Vũ, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang nói.
Giá mía tại nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng cùng chung số phận. So với thời điểm cách đây một tháng, giá mía nguyên liệu tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cũng giảm rất nhiều. Cụ thể, mía Roc 11,13 có giá chỉ 650 -800 đồng/kg, mía Roc 16 có giá 900 - 950 đồng/kg. Với giá bán như trên, sau hơn 10 tháng trồng và chăm sóc, vụ mía năm nay bà con trồng mía hầu như không có lãi, nếu có cũng rất thấp.
Trước tình trạng cây mía đang giảm dần chất lượng, nhiều bà con chấp nhận bán giá rẻ để mong vớt vát nhưng vẫn không tìm ra thương lái thu mua. Hầu hết các thương lái đều ngại mía đã trổ đọt, khô lá, chữ đường đã giảm lại nhanh khô cây, chuyên chở mía kéo dài dễ dẫn đến thua lỗ.
Thuận Hải