Dân Việt

Hóa thạch 335.000 tuổi đảo lộn lý thuyết tiến hóa con người

PV 21/05/2017 15:47 GMT+7
Niên đại hóa thạch người Homo naledi được tìm thấy ở Nam Phi cùng hành vi tập hợp xác chết có thể đảo lộn kiến thức khoa học về tiến hóa.

img

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch 335.000 tuổi của Homo naledi. Ảnh: New Scientist.

Các nhà khảo cổ khám phá ra hóa thạch của ít nhất ba người não nhỏ Homo naledi trong một hang động ở Nam Phi. Độ tuổi của hóa thạch được cho là rất trẻ, có thể là bằng chứng đầu tiên dẫn tới kết luận loài Homo naledi nguyên thủy tồn tại cùng thời điểm với người hiện đại, theo New Scientist.

Sử dụng kỹ thuật giám định niên đại, nhóm nghiên cứu phát hiện người Homo naledi đã sống ở châu Phi khoảng 236.000 tới 335.000 năm trước. Hóa thạch cổ nhất của người hiện đại (Homo sapiens) được tìm thấy có tuổi thọ khoảng 200.000 năm. Điều đó cho thấy hai loài người nguyên thủy này có thể đã tồn tại cùng thời đại. Đây là lần đầu tiên một trong những loài người cổ đại được tìm thấy có liên hệ với người hiện đại ở châu Phi.

Nghiên cứu cấu trúc bàn tay người Homo naledi tiết lộ họ có thể chế tạo công cụ. Việc giám định niên đại còn đặt nghi vấn về khả năng chế tạo công cụ của người Homo sapiens, có thể sẽ viết lại quá trình tiến hóa của tổ tiên loài người. Giám định hóa thạch mới này đặt giả thuyết về quá trình trao đổi công cụ và hoạt động văn hóa giữa Homo naledi và Homo sapiens.

Nhóm khảo cổ còn phát hiện hóa thạch mới chứng tỏ Homo naledi từng chôn cất người chết. Đây là hành vi đáng ngạc nhiên, cho thấy loài này có thể sở hữu trí thông minh. Điều thú vị là người Homo naledi chỉ có kích thước bộ não bằng 1/3 con người. Các hóa thạch này thuộc về ít nhất 3 cá thể gồm hai người lớn và một trẻ em.

img

Não loài Homo naledi (phải) so với não người Homo sapiens. Ảnh: Đại học John Hopkins.

Việc người Homo naledi đưa xác chết vào hang ngầm có nét tương tự người Neanderthal. Trong một hang động ở Tây Ban Nha, có nhiều bằng chứng cho thấy người Neanderthal cũng tập hợp xác chết lại cách đây 400.000 năm.