Dân Việt

ĐBQH nói về đề nghị khởi tố cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình

Ngọc Lương (ghi) 23/05/2017 13:16 GMT+7
Sáng 23.5, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chia sẻ với báo giới về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị khởi tố ông Phí Thái Bình - cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

img

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Ảnh: IT)

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nói: Có thể nói việc đề nghị khởi tố trường hợp vừa nêu thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật ngay cả khi họ đương chức và khi họ đã nghỉ hưu.

"Thứ hai, điều này đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân Thủ đô nói chung, cả nước nói riêng trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Thứ ba, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, loại bỏ tất cả vùng cấm cũng như những cá nhân "hạ cánh an toàn" trong thời gian qua, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước" - đại biểu Hồng Hà nói.

img

Đường ống nước sông Đà bị vỡ rất nhiều lần khiến người dân và dư luận hết sức bức xúc.

Trước đây, cơ quan điều tra lấy lý do nhân thân tốt mà không khởi tố ông Phí Thái Bình, nay lại đề nghị khởi tố, ông nghĩ sao?

- Việc này liên quan đến tố tụng, mà liên quan tới tố tụng thì phụ thuộc vào chứng cứ. Có thể thời điểm đó cơ quan chức năng chưa có đủ chứng cứ. Theo quy định của pháp luật, chưa có đủ căn cứ thì chưa thể khởi tố vụ án.

Việc đề nghị khởi tố ở thời điểm này cũng không có gì trái với quy định của pháp luật mà đúng ra đó là sự thận trọng cần thiết. Quốc hội vừa qua có Nghị quyết yêu cầu cao trong việc đấu tranh phòng, chống oan sai. Chính yêu cầu này đòi hỏi cơ quan tố tụng thật thận trọng khi đưa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can.

Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố ông Phí Thái Bình nhưng cho tại ngoại. Là chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự ông thấy có hợp lý?

- Thực ra quyết định về tạm giam rất chặt chẽ, vì người ta ví tạm giam giống như hình phạt tù. Cho nên khi áp dụng biện pháp đó phải cân nhắc kỹ lưỡng theo quy định của pháp luật.

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng có cần phải áp dụng biện pháp tạm giam hay không tùy thuộc vào các yếu tố khác. Ví dụ như người bị khởi tố bị can có địa chỉ cư trú rõ ràng và phạm những tội mà Bộ Luật hình sự quy định ở mức chưa đến mức tạm giam, lại có nhân thân tốt – tức chưa có tiền án, tiền sự gì thì chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc mà tước bỏ quyền tự do của họ. Rõ ràng các cơ quan tiến hành tố tụng đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Việc vỡ đường ống nước sông Đà rất nhiều lần trong thời gian vừa qua là bài học lớn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát các công trình xây dựng thưa ông?

- Theo tôi, từ việc cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can với những người liên quan đến sai phạm trong thực hiện dự án đường ống nước sông Đà, tôi tin chắc khi Hà Nội thi công đường ống nước sông Đà số 2 sẽ có giải pháp khắc phục sai sót trong thời gian qua.

Kể cả việc bố trí con người, kế hoạch giám sát, kiểm tra, tuân thủ các quy trình trong việc lắp đặt, kiểm tra chất lượng đường ống cũng như có cam kết trước cơ quan có trách nhiệm, cử tri và nhân dân. Trường hợp nếu để ra vi phạm tương tự thì trách nhiệm sẽ nặng hơn.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội có trực tiếp giám sát các dự án quan trọng này không thưa ông?

- Trong thời gian vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thực hiện rất nhiều hoạt động giám sát. Theo thứ tự ưu tiên, Đoàn đại biểu Quôc hội TP.  Hà Nội đã giám sát về quy hoạch quản lý đô thị, về trật tự xây dưng và trật tự ở các khu chung cư.

Tôi nghĩ thời gian tới thì Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sẽ đưa thêm vào chương trình giám sát những vấn đề liên quan về an toàn, cung cấp nước sạch cho người dân mùa hè năm nay.

Xin cảm ơn ông!