Đây là thông tin trong khảo sát về tiền lương, thời gian làm thêm của Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện từ tháng 3 - 4.2017, công bố trong Hội thảo Điều kiện lao động, thời giờ làm việc và năng suất lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Chương trình Better Work tổ chức ngày 23.5.
Ông Bùi Minh Tiến - Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho biết, nghiên cứu được tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), trong đó trực tiếp lấy ý kiến của gần 1.400 lao động thuộc 70 doanh nghiệp và điều tra ngoài khu trọ với gần 1.200 lao động thuộc hơn 20 doanh nghiệp trong các ngành công thương, nông nghiệp, khai khoáng trong cả nước.
Tăng giờ làm thêm khiến lao động bị kiệt sức. (Nguồn: Internet)
“Kết quả về tiền lương có tới gần 33% lao động được khảo sát cho biết, thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ, 12% trong số này cho biết, thu nhập và tiền lương không đủ sống và phải làm thêm, chỉ có 16% là thu nhập có dư (chủ yếu là công nhân mỏ, khai khoáng). Sau từ 5-7 năm làm việc họ có thể tiết kiệm tiền để mua được một căn nhà ở quê” - ông Tiến nói.
Chính vì thu nhập không đủ sống nên một số lao động “muốn” làm thêm để tăng thu nhập, lo cho gia đình. Những lao động này đều cho biết, thực ra họ không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm.
Khảo sát này cũng cho thấy có tới 97% doanh nghiệp tăng thời gian làm thêm của người lao động. Thu nhập thực tế của người lao động chỉ tăng trên tiền lương cơ bản khoảng 1 triệu đồng.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng: “Lao động chấp nhận tăng ca là bước đường cùng. Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5 - 4 triệu đồng thì lao động cộng thêm khoảng 1 triệu đồng tiền tăng ca, 50.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại..., được khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập có thể tăng lên một chút, nhưng hệ lụy tới sức khoẻ rất lớn”.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn có quan điểm nhất quán đề nghị không nâng giờ làm thêm.
Ông Lại Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh - cho biết, đặc thù của tỉnh là ngành khai khoáng phát triển, lao động chủ yếu làm trong các xưởng khai khoáng. Lương của lao động có thể cao hơn (khoảng 14-16 triệu đồng), nhưng môi trường làm việc quá vất vả. Chính vì vậy, giờ mà tăng giờ làm thêm thì lao động sẽ kiệt sức.
“Hiện mỗi dây chuyền khai thác than có 18-19 lao động làm việc, nhưng đã có 8-9 người nghỉ việc do môi trường làm việc quá khắc nghiệt, lao động dễ mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Chưa tăng giờ làm thêm mà lao động khai thác mỏ đã nghỉ hết, giờ tăng thì chắc chẳng ai dám làm ở ngành này” - ông Chiến nói.
Bà Nguyễn Ngọc Ngà - Hội Y học lao động - viện dẫn về một thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về thời giờ làm việc của các nước phát triển đều dưới 49 giờ/tuần. Tại Hàn Quốc số giờ tăng ca không quá 49% tổng số giờ làm việc chính thức, tương tự Úc là 20%, Mỹ là 18%.
“Tăng thời giờ làm thêm sẽ khiến lao động bị kiệt quệ, không còn sức lao động. Lao động sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khoẻ tâm thần... Do vậy, lao động chấp nhận tăng ca bởi nếu không tăng ca họ sẽ bước vào con đường cùng do thu nhập không đủ sống” - bà Ngà nói.
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi có nhiều điểm được sửa đổi và đang lấy ý kiến. Trong đó, hai vấn đề nóng được người lao động quan tâm nhất chính là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm. Theo đó, đơn vị này đưa phương án tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm.
|