Dân Việt

"Một cái bánh bao, 3 sở quản lý"

Hứa Phương 23/05/2017 15:00 GMT+7
Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tại TP còn nhiều bất cập, thực tế đang tồn tại là "một cái bánh bao mà có tới 3 sở quản lý".

Đó là thông tin được ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM - đưa ra tại hội thảo Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc - Thực trạng và giải pháp.

Ông Phương cho biết, vì được phân chia quản lý theo lĩnh vực nên còn tình trạng chồng chéo. “Chẳng hạn như cái bánh bao, trong đó có phần thịt do ngành nông nghiệp quản lý, tinh bột thuộc ngành công thương, phụ gia thực phẩm do ngành y tế quản lý”, ông Phương nêu.

Theo đại diện Sở Công Thương, việc phân chia quản lý như vậy dẫn đến nhiều bất cập. Hiện nay đã chuyển về Ban An toàn thực phẩm TP, nhưng vẫn còn một vài lĩnh vực thuộc quản lý của Sở Công Thương.

img

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM - ví von, "một cái bánh bao mà có đến 3 sở quản lý".

“Hiện Sở Công Thương có một phòng quản lý an toàn thực phẩm được TP cho phép thành lập với 30 nhân sự nhưng chỉ tuyển được 7 người, trong đó 2 người chuyển việc, còn lại 5 người quản lý một thị trường rộng lớn như TP.HCM. Từng đó người chỉ tiếp nhận hồ sơ là hết thời gian làm việc, lấy đâu ra thời gian để họ đi kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh”, ông Phương nêu thực trạng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phương đề nghị nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất và phân phối. Như ở TP.HCM, thực phẩm chiếm tới 80% phân phối qua 3 chợ đầu mối lớn là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền. Nếu quản lý chặt được nguồn thực phẩm qua 3 chợ đầu mối thì 80% thực phẩm vào TP đã được kiểm soát.

Còn ông Nguyễn Trí Dũng - Đại sứ du lịch Kansai (Nhật Bản) nhìn nhận, khâu phân phối của Việt Nam được tổ chức chưa tốt. Điển hình là hiện nông dân Việt Nam chủ yếu bán hàng do mình sản xuất ra cho thương lái. Điều này là một bất lợi, vì người dân sẽ bị thương lái ép giá.

img

80% thực phẩm từ các tỉnh vào TP.HCM chủ yếu phân phối qua 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền.

“Năm nào chúng ta cũng nghe điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa dẫn đến việc người nông dân không dám đầu tư vào sản xuất vì họ không được chăm sóc, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”, ông Dũng nêu và cho rằng một xã hội phát triển thì đi liền với việc tổ chức phân phối cũng phát triển theo, nhưng Việt Nam chưa làm được.

Theo số liệu được công bố tại hội thảo, hiện sản xuất nông nghiệp của TP.HCM chỉ đáp ứng  khoảng 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP.HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc và bị chồng chéo trách nhiệm giữa các cơ quan.

Thống kê cho thấy mỗi ngày TP.HCM cần 1.000 - 1.200 tấn thịt, trong đó thịt heo khoảng 8.000 - 10.000 con, trâu, bò 800 - 900 con, gia cầm 100.000 - 120.000 con. Ngoài ra, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu khoảng 264.000 tấn/năm, chưa kể nhu cầu tiêu thụ rau của người dân TP lên đến 1 triệu tấn/năm và khoảng 170.000 tấn thủy sản/năm.