Bỏ biên chế có lộ trình
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện có một nghịch lý, các trường là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết được giáo viên thừa – thiếu thế nào thì lại rất bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Chịu trách nhiệm tuyển dụng biên chế theo kế hoạch rồi phân về cho các trường lại là UBND huyện và Sở GDĐT, dẫn đến “vênh” về yêu cầu chuyên môn, thừa – thiếu cục bộ giáo viên gây khó khăn cho các trường.
Sự bấp bênh trong nghề sẽ khó giữ chân giáo viên vùng cao (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Anh
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), cả nước đang thừa gần 27.000 giáo viên THCS, THPT nhưng lại thiếu hơn 45.000 giáo viên mầm non và tiểu học. Trong đó, bậc học thừa giáo viên nhiều nhất là THCS với trên 21.000 người và bậc học thiếu giáo viên trầm trọng là mầm non với trên 32.600 người. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GDĐT đã tính đến giải pháp đào tạo lại khoảng 40.000 giáo viên phổ thông chuyển về dạy mầm non.
Chính vì vậy, ông Nhạ cho rằng, tới đây phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức: “Nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ và đẩy mạnh cho các trường chủ động trong việc tuyển giáo viên, chủ động đánh giá cán bộ” – ông Nhạ phân tích.
Theo tính toán của Bộ GDĐT, hiện riêng nhu cầu biên chế kế toán và y tế tại các trường học, cả nước đã cần khoảng 80.000 cán bộ: “Tiến tới, sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3 - 4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán, còn y tế trường học đã có trạm y tế xã. Những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích. |
Theo ông Nhạ, sau khi xác định việc giao quyền tự chủ về mặt nhân sự cho trường, tiếp đến sẽ thí điểm chế độ hợp đồng lao động với giáo viên. Việc giáo viên không biên chế đã thực hiện rất tốt ở các trường tư. Khi nền giáo dục từng bước hòa nhập thì giáo viên trường công và giáo viên trường tư cũng không khác gì nhau, đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm tiêu chuẩn.
Ông Nhạ cho rằng, việc chuyển sang chế độ hợp đồng, bỏ công chức viên chức với giáo viên là một việc làm cần thiết và tạo cơ hội tốt cho nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, để giáo viên không bị “sốc”, lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu từng bước thí điểm và có lộ trình cụ thể: “Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm trước. Ví dụ như những trường phổ thông có thương hiệu làm trước, sau đó rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra” – ông Nhạ nói.
Giáo viên có bỏ nghề?
Các giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng xóa bỏ biên chế phải đi kèm với việc tăng lương, tăng phúc lợi cho giáo viên nếu không sẽ có thực trạng giáo viên chán nản và… bỏ nghề.
Cô N.T.T – giáo viên một trường miền núi tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, thực hiện hợp đồng với giáo viên sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh, khiến giáo viên phải luôn luôn phấn đấu, không ỷ lại. Tuy nhiên, đối với giáo viên vùng khó, điều này ảnh hưởng rất nhiều: “Động lực để nhiều giáo viên trẻ xung phong lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo dạy học chính là chế độ biên chế trong ngành giáo dục. Nếu không còn chế độ này, các thầy cô có thể bị “ra đường” bất kỳ lúc nào thì ít giáo viên còn mặn mà “gánh chữ lên non” nữa” – cô T nói.
TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lo ngại, giáo viên hiện nay phải chịu rất nhiều áp lực, môi trường làm việc của họ không hề “dễ thở” chút nào. Ngoài việc đồng lương eo hẹp, giáo viên tại các trường vẫn còn ngập trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, những buổi dự giờ, đánh giá chéo, sức ép từ phụ huynh, từ cấp trên, từ chính học sinh ngỗ ngược…
“Thứ níu chân giáo viên công lập hiện giờ có lẽ chỉ là biên chế. Các giáo viên yên tâm là mình sẽ không bị đuổi ra đường nên cố gắng làm việc ở trường. Nếu Bộ GDĐT “tháo khoán” nốt về công chức, viên chức, e rằng tỷ lệ bỏ việc của giáo viên sẽ tăng cao. Đến lúc đó, ai dạy lũ trẻ?” – TS Hương bày tỏ băn khoăn.
PGS Văn Như Cương – chuyên gia giáo dục cũng đặt ra hàng loạt vấn đề: “Việc ký hợp đồng với giáo viên có ưu điểm lớn nhất là khiến giáo viên luôn phải nỗ lực, không chểnh mảng để có được những lứa học sinh tốt nhất. Khi không còn công chức thì giáo viên hưởng lương từ đâu? Quyền của hiệu trưởng được thực hiện thế nào? Giáo viên yếu – thừa bị đào thải sẽ giải quyết ra sao? Giáo viên nhảy việc liên tục thì sự ổn định trong ngành giáo dục sẽ như thế nào?”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành giáo dục cần phối hợp Bộ Nội vụ trong việc công khai, minh bạch tuyển dụng và hạn chế tối đa hiện tượng hiệu trưởng các trường có “quyền sinh, quyền sát” sẽ khiến cho việc tuyển dụng giáo viên gây nhiều bức xúc.