Cụ thể hóa nghề rừng
Theo Bộ NNPTNT, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, khóa XI ngày 3.12. 2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.4.2005. Qua 12 năm thực hiện, Luật BVPTR 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVPTR. Nhờ đó, diện tích rừng đã tăng từ 12,3 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên đến hơn 14 triệu ha vào năm 2015 với độ che phủ rừng 40,84%; sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 17 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc. ảnh: Tư liệu
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, đến nay Luật BVPTR 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên; tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu...
Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVPTR với mục đích thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lâm nghiệp: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa nghề rừng.
Dự án Luật Lâm nghiệp có gì mới?
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lấy tên Luật Lâm nghiệp thay cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) với lý do: Tên Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khác. |
Riêng về các hình thức sở hữu rừng, dự luật soạn thảo theo hướng quy định rõ rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; rừng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Đặc biệt, theo nội dung chương II về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Nhà nước thực hiện giao rừng, cho thuê rừng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư. Quy định này nêu: Nhà nước giao rừng không thu tiền sử dụng rừng cho tổ chức kinh tế trong nước thực hiện nhiệm vụ công ích đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên để khuyến khích các tổ chức nhận quản lý, đầu tư vào rừng tự nhiên nghèo.
Trong dự luật cũng quy định, tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách như: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ không có tổ chức kiểm lâm; doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao... Đồng thời, dự luật cũng quy định về phát triển rừng đối với từng loại rừng đặc dụng... /.