ĐBQH Nguyễn Văn Chiến. (Ảnh: Đàm Duy).
Nói về việc cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND phê chuẩn quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng: Khi cơ quan điều tra xác định hành vi của người nào đó cấu thành tội phạm, họ sẽ tiến hành khởi tố bị can và đề nghị Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Khi đó, Viện Kiểm sát cũng cần xem xét đề nghị của cơ quan điều tra để phê chuẩn hay không.
Đánh giá về việc ông Phí Thái Bình khẳng định với báo chí rằng ông không phạm tội sau khi có thông tin ông bị cơ quan điều tra đề nghị khởi tố, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng: Theo quy định của pháp luật, bất cứ người nào khi bị xem xét trách nhiệm hình sự như trường hợp ông Phí Thái Bình đều có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.
Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định người bị tạm giữ/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
"Do vậy, đương nhiên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, xem xét trách nhiệm thì người bị tình nghi, người bị đề nghị khởi tố như ông Phí Thái Bình có quyền khẳng định mình không có sai phạm" - ĐB Chiến khẳng định.
Cũng về vụ việc liên quan tới việc đề nghị khởi tố ông Phí Thái Bình, ĐB Thào Xuân Sùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư cho rằng, ông rất tâm đắc với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư gần đây đã chỉ đạo quyết liệt về việc phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.
“Trường hợp doanh nghiệp nhà nước để xảy ra những sai phạm, sự cố như ở Vinaconex thời gian vừa qua, việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm là hoàn toàn đúng đắn và chính xác chứ không phải quá nghiêm khắc. Anh là lãnh đạo, nhưng anh thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao không đến nơi đến chốn, gây ra sự cố thì sẽ phải chịu trách nhiệm” – ĐB Thào Xuân Sùng nói.
Theo ĐB Thào Xuân Sùng, việc xử lý người đã nghỉ hưu chỉ là bất đắc dĩ, chắc chắn nhân dân cũng không mong muốn. Bởi dù thế nào đi nữa, những người nghỉ hưu cũng đã có những đóng góp nhất định. Trong trường hợp họ có sai phạm thực sự nghiêm trọng thì mới phải xem xét xử lý.
ĐB Sùng đánh giá, chúng ta không mong muốn phải xử lý những người đã về hưu. Việc tích cực nhất cần làm là tập trung hoàn thiện các thể chế trong thực thi công vụ, thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu. Theo ông, nên tăng quyền hạn cho người đứng đầu và có cơ chế giám sát, phản biện, góp ý của hệ thống chính trị đối với người đứng đầu.
"Người đứng đầu có quyền hạn thì họ mới quyết đoán, mới tránh được tình trạng thụ động, cái gì cũng báo cáo, hay vừa quyết định vừa lo nơm nớp. Nhưng quyền hạn này cũng đi kèm với trách nhiệm và cơ chế giám sát trách nhiệm. Cái này phải quy định rất rõ, để khi có sai phạm thì biết họ phải chịu trách nhiệm đến mức nào?” – ĐB Thào Xuân Sùng chốt lại.