Dân Việt

Cậu "họa sĩ tí hon" đến trường bằng đôi chân thủy tinh

20/09/2011 06:54 GMT+7
“Những bức tranh trong sách khiến em thích thú và tập vẽ từ khi còn học lớp 3. Niềm đam mê cứ lớn dần theo năm tháng để rồi ước mơ trở thành họa sỹ".

Phạm Văn Tuyên, tân SV khoa thiết kế đồ họa trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Đã hơn 15 lần gẫy chân

Phạm Văn Tuyên, chàng sinh viên năm thứ nhất khoa Thiết kế đồ họa, trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam sinh ra và lớn lên tại miền quê “gang thép” (TX Sông Công, Thái Nguyên). Ngay từ nhỏ, căn bệnh loãng xương đã hạn chế cơ hội đi lại của em. Càng khó khăn hơn khi các bác sỹ vội kết luận em bị viêm cơ, sau đó do tiêm quá nhiều kháng sinh khiến chân em mỗi lúc một teo lại, xương trở nên loãng và giòn hơn.

img
Các bạn cùng phòng luôn động viên, giúp đỡ Tuyên vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Tuyên kể, từ nhỏ tới lớn, không dưới 15 lần em bị gãy đi gãy lại xương chân. Mỗi lần như vậy lại vật lộn với cơn đau và bệnh viện. Tuy khó khăn là thế, nhưng không lúc nào em từ bỏ suy nghĩ muốn trở thành họa sỹ.

Trong nhà em, tất cả các anh chị, bố mẹ đều không ai biết vẽ. Sẵn có máu “nghệ sỹ” trong người, cho tới năm học lớp 3, khi nhìn vào các bức tranh trong sách giáo khoa Tuyên nảy sinh ý nghĩ tập vẽ theo hình đó. Và nhiều lần như thế, cứ vẽ đi vẽ lại hình trong sách cho tới lúc ưng ý nhất.

“Do không đi lại được như các bạn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ bố mẹ, em đã xác định ngay cho mình lúc còn học tiểu học phương hướng trong tương lai mà em sẽ làm. Đó là công việc phù hợp với thể trạng và sở trường của mình.

Vẽ và thiết kế là hợp lí nhất vì không phải đi lại nhiều, lúc đó chỉ nghĩ mình sẽ làm họa sỹ ngồi vẽ thôi chứ không có ước mơ gì khác” - Tuyên nhớ lại quãng thời gian đầu khi em định hướng nghề nghiệp.

img
Hằng ngày, với đôi nạng gỗ, Phạm Văn Tuyên đi lại khó khăn vì ở tận tầng 3
trong kí túc xá.

Tuyên kể, phần lớn thời gian là học vẽ ở nhà, hầu như phải tự mày mò ra các hình tượng, đồ vật, cứ nhìn xung quanh cảnh quan có gì hay là vẽ. Thậm chí, nhiều lúc do sức khỏe yếu, hoặc những lần gãy xương do ngã em phải nằm liệt trên giường, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, nghỉ, vẽ và học đều phải cố gắng.

"Có quãng thời gian em nằm một chỗ tập vẽ tới 1-2 tháng là chuyện bình thường. Cho tới năm lớp 9, khi cơ thể khỏe mạnh chút ít em xin bố mẹ cho ra Cung văn hóa TX Sông Công học vẽ. Nhờ đó, em được trau dồi thêm nhiều kiến thức về hội họa và quyết tâm sau này thi vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc”.

Sinh năm 1987, với 3 năm theo học tại trường Cao đẳng, vốn kiến thức hội họa của Tuyên đã hòm hòm, đủ để nhanh nhẹn ký họa một bức chân dung theo đúng yêu cầu. Tuyên cho biết, nhờ có thầy Nguyễn Văn Lộc là giảng viên bộ môn hội họa tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc mà Tuyên được học nhiều, hiểu nhiều hơn về hội họa, tiếp sức em niềm đam mê.

Đã tốt nghiệp khoa hội họa của một trường Cao đẳng nhưng Tuyên chưa bằng lòng và muốn đạt được điều gì đó. Thổ lộ với chúng tôi, Tuyên nói: “Học Cao đẳng em chỉ được học về hội họa, điều đó chưa làm em hài lòng lắm. Em muốn học về Thiết kế đồ họa. Có thể suy nghĩ sẽ thực tế hơn, đó là muốn tìm kiếm được công việc phù hợp với thân hình hơn nên học thiết kế là hợp lí nhất, em quyết tâm thi vào trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam”.

Phải nằm 10 ngày vì... quên đau, nhảy reo vui khi đỗ ĐH

Khi biết mình đậu vào khoa Thiết kế đồ họa, ĐH Mỹ thuật VN, vui đến nỗi Tuyên quên đau nhảy lên reo mừng, ngay sau đó phải nằm liệt hơn 10 ngày mới đi lại được bằng nạng.

img
Những hôm thay đổi thời tiết khiến đôi chân Tuyên như muốn đứt lìa.

Tuyên cho biết, ở nhà bố, mẹ và anh, chị chủ yếu là làm nông, nhà có hơn mẫu ruộng nhưng năm nào cũng không đủ ăn, giá cả đắt đỏ khiến em đi học cũng lo hơn.

Với môi trường mới, chàng tân sinh viên khuyết tật lại tiếp tục cuộc hành trình trong niềm đam mê với hội họa. Vì theo Tuyên, sống trên đời hạnh phúc nhất là có được việc gì đó để làm, có một ai đó để yêu và có một người nào đó chờ đợi mình. Chính câu châm ngôn này, ngay từ khi mới trập trững bước vào làng hội họa, Tuyên đã thần tượng các bức tranh của danh họa Picaso, đó là “có một ai đó để yêu”.

Trong nước, em cảm phục tranh của Tô Ngọc Vân. Theo Tuyên, tranh Tô Ngọc Vân tuy đơn giản, mộc mạc nhưng vẫn thể hiện được hồn của bức tranh. “Họa sỹ Tô Ngọc Vân vẽ tranh không cần cầu kỳ, những nét bình dị, màu sắc hài hòa, người bình thường cũng có thể hiểu và cảm nhận được nội dung bức tranh”.

Chàng họa sỹ khuyết tật tài hoa này cũng cho biết, sở trường của em là ký họa bằng chì và tranh sơn dầu.

Hiện tại, hằng ngày, với đôi nạng gỗ, Tuyên sinh hoạt rất khó khăn. Mọi hoạt động trong phòng đều nhờ bạn bè giúp đỡ, từ tắm giặt, mua cơm, lấy nước cho đến đi học. Nhưng những khó khăn phía trước không vì thế khiến em nản chí vì theo Tuyên mục tiêu còn dài và xa lắm.

Theo GDVN