Dân Việt

Đưa hợp tác xã Hà Lan đến Việt Nam

23/11/2010 15:49 GMT+7
(Dân Việt) - Áp dụng những ưu điểm của mô hình "đại hợp tác xã" của mình vào Việt Nam, Tập đoàn FrieslandCampina hy vọng sẽ giúp người nuôi bò sữa ở đây có thu nhập tốt hơn, bền vững hơn.
img
Chăm sóc bò sữa tại trại mẫu của FCV ở Bình Dương. Ảnh: Hải Quế

Ông Lưu Văn Tân - Giám đốc Chương trình phát triển ngành sữa Công ty FrieslandCampina Việt Nam (FCV), giải thích về cách làm này: Trên tinh thần tự nguyện, tự giác, các trang trại thành viên của hợp tác xã trở thành những mắt xích trong một hệ thống khép kín, có trách nhiệm đảm bảo chất lượng xuyên suốt quá trình sản xuất "từ đồng cỏ đến ly sữa" của tập đoàn.

Bò sữa Hà Lan - từ lạ đến quen

Những người đứng đầu FCV nhận ra rằng mô hình hợp tác xã vốn đã thành công ở Hà Lan, nay đem áp dụng ở Việt Nam không thể là chuyện ngày một ngày hai.

Từ những ngày đầu thành lập, Dutch Lady, tiền thân của FrieslandCampina Việt Nam, đã mở những điểm thu mua sữa ở những nơi chưa có người nuôi bò sữa, chưa có trạm thú y... Ông Lưu Văn Tân còn nhớ vào đầu năm 1996, ông và các đồng nghiệp tiếp xúc với 30 nông dân ở vùng Bến Cát, Thủ Đức, Lái Thiêu... những nơi mà con bò sữa còn rất xa lạ.

Năm 1871, 9 ông chủ nông trang ở Hà Lan đã bắt tay nhau mua lại một nhà máy sản xuất phô mai gần nơi họ ở, hình thành nên hợp tác xã Friesland Foods, với hy vọng có đầu ra tiêu thụ sữa ổn định hơn... Đến nay, mô hình hợp tác xã chăn nuôi bò sữa ấy đã thành Công ty FrieslandCampina (sáp nhập từ FrieslandFood và Công ty Campina), có đến 21.000 nông trang thành viên. Tập đoàn này đã là một trong những tên tuổi hàng đầu ngành sữa thế giới.

Ông Tân thông báo công ty mới thành lập mong muốn hợp tác với bà con lâu dài để phát triển ngành sữa. Công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, bò giống, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo, chăm sóc thú y... Sau đó, 15 hộ nông dân đầu tiên giao sữa về nhà máy chỉ có 300kg, nghĩa là mỗi hộ chỉ thu được khoảng 20kg mỗi ngày. Nhưng đến nay FCV đã thiết lập được 40 điểm thu mua sữa, có hơn 2.500 hộ nông dân giao sữa hàng ngày, bình quân hơn 72kg sữa/hộ/ngày.

Lợi nhuận-chất xúc tác tạo liên kết

Tuy nhiên, phần lớn hộ chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam vẫn sản xuất quy mô nhỏ, lại thiếu tính liên kết. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả nghề nuôi bò sữa ở đây chưa cao, thu nhập người nuôi bò sữa còn bấp bênh. Chính vì vậy, FCV xác định bước đầu phải tạo mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi bò sữa để hướng đến hình thành hợp tác xã như FireslandCampina đã làm tại Hà Lan.

Từ năm 2010, FCV có chính sách khuyến khích người chăn nuôi tự nguyện tổ chức lại thành các nhóm cung cấp sữa, nhằm giảm bớt các chi phí kiểm định chất lượng sữa, giảm thời gian, công sức của nông dân khi đi tiêu thụ sữa. Mỗi nhóm này hình thành từ 5 - 7 hộ. Nhóm trưởng sẽ làm nhiệm vụ thu sữa từ các hộ thành viên, sau đó giao lại cho công ty.

Nhờ nhóm lại, mỗi lô sữa nhóm giao cho FCV đạt 500 - 600kg trở lên, FCV giảm bớt các chi phí kiểm định chất lượng sữa thay vì kiểm định từng lô hàng nhỏ chỉ vài chục kg. Đổi lại, FCV khuyến khích bằng cách tăng giá mua sữa của các nhóm này sẽ cao hơn từ 400 - 600 đồng/kg so với hộ giao sữa riêng lẻ.

Ông Tân kể, ban đầu làm công việc liên kết này cũng trầy trật lắm, hầu hết nông dân không muốn tham gia, vì không ai tin ai. Người này nghĩ giao chung với người kia sẽ bị pha thêm nước vào sữa, ảnh hưởng chất lượng sữa của nhà mình. FCV thành lập đội khuyến nông không chỉ hướng dẫn làm kỹ thuật, mà cả hướng dẫn cách tổ chức, quản lý, giải thích hiệu quả kinh tế khi hợp tác với nhau... Đến giờ, tuần nào cũng có 5 - 7 nhóm đăng ký thực hiện theo phương thức giao sữa này.

"Bước đầu như vậy đã hình thành những nhóm giao sữa. Họ được hướng dẫn ký kết hình thành nhóm với nhau. Bước hai sẽ là cùng nhau mua cám, hèm bia, xác mì... và yêu cầu người ta giao ở một điểm, thì giá mua sẽ thấp hơn" - ông Tân chia sẻ kế hoạch sắp tới của FCV.

Khuyến nông theo nhu cầu nông dân

Đội quân khuyến nông của FCV đang nhắm đến nâng cao dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Ví dụ như điều trị bệnh cho bò sữa, gieo tinh nhân tạo, làm công tác giống. Công ty cũng vừa nhập hơn 100 liều tinh quy định giới tính (đảm bảo tỷ lệ bò con đẻ ra 90% là bò cái). Nhiệm vụ thường xuyên của nhóm là tư vấn xây dựng chuồng trại, canh tác đồng cỏ, quản lý chăm sóc đàn bò.

Với phương châm "cung ứng theo nhu cầu" và "học đi đôi với hành", đội khuyến nông của công ty đến từng vùng đất, lắng nghe ý kiến, nhu cầu của người dân. Từ đó, đội xây dựng nên chương trình, mô hình huấn luyện và triển khai thực hiện các lớp tập huấn mang tính thực hành cao… giúp bà con nâng cao hiểu biết, trình độ kỹ thuật.

Tại Bình Dương, FCV xây dựng một mô hình chuồng trại mẫu 8 - 10 con bò - phù hợp với quy mô phần lớn hộ nuôi bò sữa hiện nay. 5 trại mẫu khác tại Củ Chi, Long An, Tây Ninh… với những mô hình khác nhau, giúp bà con có thêm giải pháp để hạn chế những yếu tố bất lợi về thời tiết, đất đai, đầu tư thiết bị… nhằm nâng cao năng suất và giảm giá thành sữa.

Bí quyết kết nối làm ăn bền bỉ với nông dân của FCV, theo ông Tân là: "Làm sao mang đến dịch vụ đúng nhu cầu để người nông dân có thu nhập cao, ổn định, vì quyền lợi của người hưởng dịch vụ, thì chắc chắn dịch vụ sẽ thành công, được nhiều người ủng hộ".