Cây già nên tán còng rậm rạp, xòe rộng cả một khu vực. Tán còng luôn luôn xanh có hình mâm xôi hay hình dù. Đó là nơi khách bộ hành ngồi trong trưa nắng chờ chuyến xe đò khởi hành lên tỉnh. Với bọn trẻ chúng tôi, trong bóng mát tán còng, ngoài tận hưởng cái mát thiên nhiên ban tặng, còn là nơi chơi đá cầu, nhảy cò cò, thảy đáo, bắn cu li…
Khi nắng già, còng thay lá. Lá lông kép hình lông chim, thức vào ban ngày khi nắng lên, và ngủ khép lại, khi mặt trời lặn hoặc trời vần vũ chuyển mưa. Bọn nhỏ chúng tôi thích nhất khi còng trổ bông. Bông còng nhỏ có năm cánh màu hồng hoặc tím nhạt, khi nở bung ra rất đẹp, tạo cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Bên cạnh đó bông còng còn tỏa mùi thơm. Trái còng cong cong, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là còng? Trái còng màu da đen.
Thân thương cây còng quê nhà. Ảnh: T.L
Mùa còng kết trái là mùa vui của tụi trẻ con chúng tôi. Với cục gạch hoặc viên đá, sỏi trong tay, chúng tôi ra sức liệng thật mạnh lên những trái còng già. Hễ có một trái rớt xuống đất thì tụi tôi hò reo phấn khởi. Khi thu được khá nhiều trái còng, đựng bụm trong vạt áo, tụi tôi trở về nhà, dùng sống dao bổ trái ra. Nằm ẩn trong lớp nhầy màu nâu đen là những hột còng. Hột còng sau đó được bọn tôi chơi những trò chơi ưa thích. Chơi đã thì đem những hột còng cho lên chảo rang. Trên ngọn lửa cháy phừng, những hột còng trong chốc lát tỏa mùi thơm… điếc mũi. Chúng tôi đổ hột còng ra nền đất, đợi nguội, cắn nhai trong sự thích thú vô cùng. Đó là món quà tuổi thơ quê nghèo, trẻ con trên tỉnh có lẽ khó có được.
Những trò chơi ấy cùng hình dáng đẹp, nên thơ của cây còng đã in sâu trong tâm não bọn trẻ chúng tôi thành kỷ niệm khó phai mờ, nhất là khi đi xa và sống xa quê nhà.