Dân Việt

Ngập vào “ngáo đá”, tất cả nát tan

Minh Nguyệt 25/05/2017 06:25 GMT+7
Ngày càng nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá thay cho những loại ma túy “truyền thống” như heroin, cần sa... Việc sử dụng ma túy đá đã dẫn đến nhiều vụ án mạng vô cùng khủng khiếp. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có phác đồ điều trị cho những người nghiện loại ma túy “kinh khủng” này.

Gây tội ác trong cơn phê

Ngày 23.5, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra đối tượng Trần Trọng Hiếu, 35 tuổi, trú tại xã Cổ Bi, Gia Lâm về hành vi đe dọa, khống chế một cô gái trong nhà nghỉ, xảy ra tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Tại cơ quan công an Hiếu khai nhận có sử dụng ma túy đá và thuê nhà nghỉ ngủ. Sau khi dùng ma túy, Hiếu rơi vào ảo giác, tưởng có người đe dọa mình nên đã khống chế, trói một phụ nữ ở phòng bên cạnh vào cầu thang.

img

Hiện vẫn chưa có phác đồ điều trị cho cai nghiện ma túy đá (ảnh chụp tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên, Hải Phòng).  Ảnh: Minh Nguyệt

Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ án dã man mà kẻ gây án trong lúc đang ở tình trạng ngáo đá và ra tay giết chính bố mẹ, con, cháu mình. Trước đó, ngày 27.9.2016 một vụ án kinh hoàng liên quan tới ma túy đá đã xảy ra. Bị can là Doãn Trung Dũng, sống tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã khai nhận với cơ quan công an về hành vi sát hại 4 người thân sau khi sử dụng ma túy đá.

Theo đó, Dũng khai tối 23.9 đến nhà bà Nguyễn Thị Hát (Dũng là cháu rể nạn nhân) với ý định xin tiền mua ma túy, khi đó có nạn nhân và 3 người cháu nhỏ ở nhà. Xin tiền không được, Dũng xin ngủ nhờ qua đêm và bà Hát đồng ý. Đến nửa đêm, chờ mọi người ngủ say, Dũng mang ma túy đá ra sử dụng và lên cơn phê, nảy sinh ý định cướp tài sản. Trong cơn ảo giác, Dũng lần lượt giết chết 3 người cháu và bà Hát. Sau khi ra tay, Dũng lục lọi đồ đạc trong nhà và lấy đôi hoa tai cùng chiếc nhẫn trên người bà Hát rồi trốn về nhà ở TP.Uông Bí. Sáng 24.9, cơ quan công an đã truy tìm được tung tích và bắt khẩn cấp y.

Cách đó 3 tháng, ngày 7.7.2016 tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cũng đã xảy ra một vụ án do một kẻ ngáo đá gây ra làm hai người tử vong. Kẻ phạm tội là Nguyễn Văn Hồng (xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc) đến nhà bạn chơi. Sau khi dùng ma túy đá, Hồng lên tục nói nhảm, rồi dùng dao chém hai con của bạn là cháu Lê Minh Đăng (7 tuổi) và Lê Ngọc Chi (5 tuổi). Do vết thương quá nặng, cả Đăng và Chi đều tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện. Sau khi chém hai cháu bé, Hồng định tự tử bằng dao nhưng không thành. Sự việc được trình báo, cơ quan điều tra công an huyện Ngọc Lặc đã bắt giữ Hồng.

Cuối năm 2014, một người phụ nữ ở số nhà 100, đường Nhật Tảo (phường 4, quận 10 TP.HCM) bị chính con trai của mình là Tô Minh Nhật Hải (sinh năm 1981) ra tay sát hại dã man trong cơn ngáo đá vì nghĩ là người ngoài hành tinh. Khi bị khống chế, hung thủ còn luôn miệng kêu: "Công... mày thả anh ra để anh đi cứu mẹ, người ngoài hành tinh xuống đâm mẹ anh rồi kìa".

Số người nghiện gia tăng

Ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, ma túy đá là một dạng của ma túy tổng hợp. Thực tiễn, làm công tác cai nghiện trong thời gian qua cho thấy số lượng người nghiện ma túy tổng hợp nhiều hơn.

“Tại các cơ sở cai nghiện của Bộ LĐTBXH, có tới 60-70% người nghiện đang cai có sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Do Bộ Y tế chưa ban hành được phác đồ điều trị nên công tác cai nghiện cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các trung tâm vẫn phải dựa vào phác đồ cũ, nghiên cứu cách thức mới để vẫn có thể cai nghiện được cho các đối tượng nghiện ma túy tổng hợp này. Biện pháp hiện nay được các trung tâm cai nghiện áp dụng chủ yếu là tư vấn, giáo dục, nâng cao kỹ năng sống, tăng cường sức khỏe” – ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, khả năng nhận biết, phân biệt người dùng ma túy thường hayma túy đá rất khó. Chỉ một số ít trường hợp điển hình, sau khi dùng ma túy đá sẽ có hiện tượng phê ma túy, gặp ảo giác và có những hành vi như: Trèo lên cột điện, đâm chém người thân, tự hủy hoại bản thân, chui xuống cống…

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, cả nước có gần 211.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (hơn 200.000 người). Tuy nhiên, không có số liệu cụ thể về số người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp.

Thời điểm tháng 2.2017, số người nghiện có hồ sơ quản lý ở TP.HCM là gần 22.000 người - dẫn đầu cả nước, tiếp theo là Hà Nội 12.803 người, Điện Biên 9.481 người, Sơn La 8.388 người, Nghệ An 6.989, Thanh Hoá 6.911 người, Đồng Nai 3.357 và Bình Dương là 2.395 người...

Đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Bộ Công an) cho biết, trước hết, mỗi người cần phải phòng ngừa không để bản thân, người thân rơi vào tình huống bị đối tượng ngáo đá khống chế. Đối tượng bị ngáo đá có thể là người thân trong gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp hoặc những người không quen biết, có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu.

Theo Đại tá Thìn, để tránh bị đối tượng ngáo đá tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị ngáo đá. Các dấu hiệu cụ thể như: Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam… Đặc biệt, khi bị ngáo đá đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: Nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn…

“Nếu có người nhà bị ngáo đá, hoặc ra đường gặp các đối tượng này thì mọi người cần bình tĩnh, xử lý khôn khéo, tránh việc gào khóc, chửi bới gây kích động đối tượng. Nếu bị đối tượng khống chế, nên làm theo lời đối tượng, nhẹ nhàng thuyết phục chờ khi đối tượng mất cảnh giác thì tẩu thoát. Khi gặp người ngáo đá ở nơi công cộng, tuyệt đối không vì tò mò mà đứng xem, cần di chuyển đến nơi an toàn và gọi công an đến hỗ trợ” – Đại tá Thìn tư vấn. 

Dùng ATS, thần kinh có thể bị phá hủy

img

Ma túy đá (các loại ma túy tổng hợp -ATS) có tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương, phá hủy não bộ khiến người nghiện mất minh mẫn. Họ thường có những ảo giác, hoang tưởng hành động khác lạ, nguy hiểm hoặc hoang tưởng bị tấn công, kích động, bạo lực. Thậm chí họ “nhìn” thấy xung quanh có quái vật, có kẻ thù nên tấn công một cách hung hãn, kể cả bố mẹ, con cái cũng không nhận ra. Các loại ma túy “truyền thống” như heroin, thuốc phiện chỉ gây ảo giác, hưng phấn trong vài giờ, nhưng ATS gây hưng cảm tới 3-4 ngày. Trong thời gian đó, người bị ngáo đá có thể gây ra nhiều hành động nguy hiểm. Người dùng ATS thần kinh có thể bị phá hủy và xuất hiện hiện tượng ngáo đá, sốc thuốc hoặc có bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim”.

Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I

img

Cần có sự phối hợp của gia đình

“Để điều trị cho người loạn thần do ma túy đá phải dùng các thuốc thần kinh đắt tiền, phối hợp với các liệu pháp can thiệp về tâm lý, hành vi. Người bệnh cũng sẽ bị suy giảm nhận thức và thường bị sa sút về cảm xúc, stress sau khi ngưng dùng ma túy đá, thậm chí có thể bị tổn thương về trí não, khó phục hồi. Do đó, cần phải có thời gian và sự phối hợp của người nhà” -

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội)