Tết Ramưwan là Tết cổ truyền quan trọng nhất của người Chăm theo đạo Bàni trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đây là nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào người Chăm gìn giữ từ xa xưa cho đến nay.
Hàng ngàn người ra nghĩa trang làm lễ tảo mộ
Ngay từ sáng sớm, tất cả các tộc họ người Chăm theo Bàni đều tập trung về nghĩa trang làng mình để làm lễ tảo mộ, cúng bái mời tổ tiên về với con cháu. Ghi nhận của PV, tại khu vực xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, hàng trăm thanh niên nam nữ Chăm, với những bộ trang phục mới tung tăng đón Tết cổ truyền. Năm nay, mùa màng bội thu nên người Chăm đón Tết trong không khí phấn khởi.
Các thầy đang thực hiện nghi thức cúng
Anh Não Văn Tấn (thôn Văn Lâm 1, Phước Nam, Thuận Nam, Ninh Thuận) vui mừng cho biết: “Năm nay, nhờ gặp thời tiết thuận lợi nên năng suất thu hoạch đạt hơn so với năm trước, gia đình phần nào cũng đón Tết ấm áp hơn”. Ngoài thu nhập từ trồng lúa, gia đình còn có thu nhập từ chăn nuôi dê, cừu. Trước ngày tảo mộ, gia đình đã dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa và gói các loại bánh truyền thống để dâng cúng cho ông bà.
Lễ tảo mộ là phần quan trọng
Anh Tấn cho hay, hôm nay gia đình ra thực hiện phần lễ tảo mộ tại nghĩa trang. Các lễ vật mang theo gồm: Trầu cau, rượu, nước ra cúng mời tổ tiên, ông bà đã khuất về với con cháu. Theo anh, Lễ tảo mộ là phần mở đầu và quan trọng nhất của Tết cổ truyền Ramưwan, đây là sự tưởng niệm biết ơn tổ tiên, ông bà. Tết cổ truyền diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào những ngày cuối của tháng cũ và kết thúc vào những ngày đầu tiên của tháng Ramưwan. Sau phần tảo mộ là các gia đình tiến hành về cúng cho gia tiên, nhà nào cũng cúng mâm mặn và mâm ngọt. Tết Ramưwan cũng là dịp để các gia đình cầu mong nhà nhà bình yên, an lành, hạnh phúc và mùa màng tươi tốt.
Trầu cau để cúng mời tổ tiên
Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào người Chăm sinh sống, toàn tỉnh có trên 63.000 người Chăm cùng sinh sống.