Dân Việt

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thu tiền nhạc từ khách sạn có từ 10 năm nay

Huy Hoàng 25/05/2017 18:25 GMT+7
Chia sẻ với báo chí ngày 25.5 tại Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), việc thu tiền âm nhạc tại các khách sạn có từ 10 năm nay.

Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao việc VCPMC thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh” tới hàng trăm khách sạn tại Đà Nẵng. Để làm rõ thêm thông tin cho sự việc này, sáng 25.5 Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa báo chí với nhạc sĩ Phó Đức Phương -Giám đốc VCPMC, ông Bùi Minh Hùng-  Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả xung quanh vấn đề này.

img

Cuộc gặp gỡ do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 25.5 tại Hà Nội

Theo đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương giải thích cho việc thu tiền âm nhạc tại khách sạn đã có từ 10 năm nay. Các khách sạn Đà Nẵng thắc mắc vì chưa hiểu ra vấn đề, còn khách sạn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nề nếp thực hiên vấn đề nộp tác quyền khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Nề nếp nhất là các khách sạn 4 sao và 5 sao, trong giai đoạn tới đây, VCPMC  sẽ tiến hành thu tiếp các khách sạn từ các khách sạn 2 và 3 sao.

“Ban đầu khi chúng tôi tiến hành thu tiền, các khách sạn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng phản ứng dữ dội và chúng tôi đã phải đàm phán, bàn bạc rất nhiều. Sau những cuộc đàm phán đó, các khách sạn mới hiểu và nộp tiền bản quyền. Năm 2016, số tiền chúng tôi thu được từ Miền Trung (từ Huế) vào miền Nam là xấp xỉ 3 tỷ đồng. Nhưng số tiền này, chúng tôi cũng chỉ chủ yếu thu từ biểu diễn nhạc sống tại các quầy bar, còn tiền từ ca khúc từ các phát sóng tại các khách sạn thì không nhiều”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho hay: “Tôi chưa được nghe báo cáo về thắc mắc của các khách sạn, nhưng thắc mắc là bình thường vì trong quá trình thực hiện chúng tôi thường xuyên phải giải thích. Ví dụ như thắc mắc của karaoke là suốt 15 năm, nói rằng chúng tôi phải tốn tiền mua đĩa, ở các dĩa các tác giả có tiền rồi sao dùng ở nhà cũng phải nộp tiền. Chúng tôi phải giải thích suốt 15 năm qua. Bởi vì Luật pháp và công ước quy định ngoài quyền tinh thần với nhân dân tác giả có 4 đặc quyền là: Quyền biểu diễn; Quyền sao chép; Quyền kiểm soát sử dụng tác phẩm của mình trong lĩnh vực phát sóng vô tuyến và sóng vệ tinh; Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng; Quyền được phân phối sản phẩm ra nước ngoài…

img

Với âm nhạc có 4 loại quyền chính không quyền nào giẫm lên quyền nào. Ví dụ khi tác giả nhận tiền của băng đĩa là nhận tiền sao chép, nhưng đĩa đó đem ra karaoke là nảy sinh môi trường kinh doanh mới thì phải thu tiền truyền đạt tác phẩm hoặc quyền biểu diễn. Ở truyền hình trong khách sạn chúng tôi được quyền trong lĩnh vực phát sóng. Nên có thể nhiều người hiểu lầm sao tại sao thu nhiều lần vì đó là Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ước Berner đã quy định".