Học cũng “ăn nhờ ở đậu”
Tại Tiền Giang, chương trình kiên cố hóa trường học triển khai từ năm 2008 với số lượng hơn 2.000 phòng học. Nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành được 70% khối lượng xây dựng. Đó là lý do mà ở nhiều địa phương trong tỉnh, thầy trò vẫn phải dạy và học trong những phòng học mục nát có thể sập bất cứ lúc nào.
Trường Mầm non Thanh Bình (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) không biết khi nào mới hoàn thành. |
Và nhiều điểm trường dù sắp sập, trường này "bỏ chạy" vẫn phải "nhượng" lại cho trường khác vào dạy và học. Thậm chí, có trường cả thầy lẫn trò phải mang phận "tầm gửi" vì mượn những cơ sở vật chất không dành cho hoạt động giảng dạy để ngồi học suốt nhiều năm liền.
Ở thị trấn Chợ Gạo, gần 200 cháu mầm non và các cô bảo mẫu của Trường Mẫu giáo 2-9 phải mượn hội trường của Trường Tiểu học thị trấn để trú ngụ, rất chật chội và nóng nực. Buổi trưa mấy cái quạt trần chạy ì ạch, nhiều phụ huynh xót con phải mang quạt nan vào lớp ngồi quạt cho con ngủ. Bà Nguyễn Thị Tiếp - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo nói: "UBND huyện đã nhiều lần xin kinh phí xây dựng, sửa chữa những nơi xuống cấp nhưng tỉnh nói thiếu vốn. Chúng tôi sốt ruột, nhưng không biết phải tính sao".
Tại Đồng Tháp, hàng trăm học sinh của Trường Mẫu giáo thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) phải đi "học nhờ" ở nhiều địa điểm trong thị trấn vì ngôi trường mới xây mãi không xong. Với vốn đầu tư gần 9 tỷ đồng, trường dự kiến hoàn thành vào tháng 5.2011 nhưng nay mới xong phần... móng, cột. Trong khi đó, các đơn vị "cho mượn" cũng đang kêu trời vì chính họ cũng thiếu trường thiếu lớp.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GDĐT Đồng Tháp cho biết, hiện nay tỉnh này còn thiếu 168 tỷ đồng để hoàn tất 1.233 phòng học xây dang dở. Nhưng từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh chỉ bố trí được 85 tỷ đồng từ ngân sách.
Những lập luận bất hợp lý
TS Trần Thanh Đức - Giám đốc Sở GDĐT Tiền Giang cho biết, để xây dựng 2.000 phòng học, nguồn vốn T.Ư hỗ trợ cho tỉnh là 200 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay tỉnh đã phải giải ngân xây dựng hơn 700 tỷ đồng.
"T.Ư cho định mức xây dựng 300 triệu đồng/phòng học, nhưng thực tế chúng tôi xây dựng với chi phí tối thiểu là 500 triệu đồng/phòng. Còn xây 1 phòng học mầm non tốn đến 700 triệu đồng/phòng. Hiện nay chúng tôi còn nợ các nhà thầu 150 tỷ đồng vốn xây dựng nhưng không có tiền trả, đang phải xin ý kiến HĐND và UBND tỉnh bố trí vốn để trả cho họ" - ông Đức nói.
Theo ông Huỳnh Ngọc Lưu - Giám đốc Ban Quản lý các dự án xây dựng Long An, hàng loạt dự án trường học của tỉnh này đang trễ hạn vì... thiếu vốn. Năm 2011, Sở Xây dựng Long An xin UBND tỉnh cấp hơn 200 tỷ đồng xây trường nhưng chỉ được duyệt 102 tỷ đồng. Thậm chí, tới tháng 8 chỉ mới giải ngân được gần 45 tỷ đồng.
"Hiện tại chúng tôi đang trình xin vốn của năm 2012 là 418 tỷ đồng nhưng chưa biết sẽ được giải ngân bao nhiêu. Do thiếu vốn trong lúc giá nhân công, giá vật liệu xây dựng đều tăng cao (hiện tại giá nhân công đã tăng gần 40%) nên các nhà thầu xây cầm chừng là điều khó tránh khỏi" - ông Lưu nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều địa phương ở ĐBSCL được giữ lại nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư cho y tế và giáo dục. Ở nhiều tỉnh, thành, nguồn vốn này lên đến 400 - 500 tỷ đồng/năm nên chuyện "thiếu vốn" không phải là một vấn đề quá lớn. Thế nhưng tại Tiền Giang, khi các công trình cần vốn xây dựng thì kho bạc không chịu giải ngân bởi "phải tiết giảm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ".
TS Trần Thanh Đức cho rằng, những trường học, phòng học xuống cấp lại không được rót vốn là rất bất hợp lý bởi ở nhiều tỉnh khác, các công trình cấp bách về y tế và giáo dục không nằm trong danh mục tiết giảm.
Hữu Danh