Dân Việt

Sống khỏe với nghề truyền thống

20/09/2011 16:18 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 1990, làng nghề đúc gang, đồng truyền thống xã Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chỉ còn 10 hộ theo nghề. Mấy năm gần đây nhờ được đầu tư, học nghề, làng nghề đã hồi sinh.

Làng nghề đúc gang, đồng Mỹ Đồng có cách đây khoảng 100 năm. Ông tổ của làng nghề là ông Nguyễn Văn Cáu, ở làng Phương Mỹ. Ông là người đầu tiên học được cách nối lưỡi cày và làm khuôn nấu gang, đồng của các thợ đúc đồng ở Thanh Hóa, rồi về truyền dạy lại cho người dân nơi đây.

img
Công nhân làm việc tại Công ty Thành Phương có thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Lấy người giỏi truyền nghề

Năm 1938, một chiếc tàu cuốc của Pháp bị gãy bộ phận thăng bằng (còn gọi là con rùa đối trọng) nặng 1 tấn, chủ tàu đi đặt hàng khắp nơi nhưng không làng nghề đúc nào dám nhận. Lúc đó, ông Cáu nhận và chỉ huy một đội thợ đúc thành công "con rùa đối trọng".

Sau sự kiện này, làng Mỹ Đồng đã gây được tiếng vang và đi vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, những năm 80 - 90 của thế kỷ 20, hình thức đúc thủ công, mẫu mã hạn chế, thô sơ không thể cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghệ tiên tiến nên làng nghề dần mai một, chỉ còn vài hộ bám nghề.

Ông Nguyễn Đăng Tâm- Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng cho hay: "Năm 1992, khi chúng tôi khôi phục lại làng nghề, chỉ còn hơn chục hộ làm nghề. Bằng cách kêu gọi những người đang làm và đã bỏ nghề có tay nghề giỏi truyền nghề lại cho bà con, đến nay nghề đã cơ bản phát triển trở lại".

Giàu lên từ nghề

Theo thống kê của UBND xã Mỹ Đồng, hiện xã có hơn 150 hộ sản xuất kinh doanh làm nghề đúc gang, đồng. Trong đó có 29 công ty TNHH, 28 công ty cổ phần, 16 doanh nghiệp và 35 xí nghiệp tư nhân, mỗi năm đúc khoảng 30.000 tấn gang thép, đồng với các sản phẩm như nắp hố ga, máy bơm nước, khung xe máy, chân vịt tàu thủy…, doanh thu 617 tỷ đồng/năm (chiếm 95% doanh thu toàn xã), nộp kho bạc nhà nước hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.000 lao động địa phương và 1.000 lao động các xã lân cận với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm của Mỹ Đồng không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. "Năm 2010, chúng tôi đã quy hoạch khu làng nghề với diện tích 5,4ha cho 22 công ty thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh. Làng nghề phát triển, nên tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,5%" - ông Tâm cho hay.

Năm 2010 chúng tôi đã quy hoạch khu làng nghề với diện tích 5,4ha cho 22 công ty thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh. Làng nghề phát triển, nên tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,5%.

Ở khu làng nghề có hàng chục công ty doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm như Công ty DNTN Cơ khí đúc gang Thành Phương, Công ty TNHH Cơ khí đúc hợp kim Thịnh Hưng, Công ty TNHH Phạm Đăng…

Anh Đinh Văn Vỹ - Giám đốc Công ty DNTN Cơ khí đúc gang Thành Phương cho hay: "Mỗi năm công ty xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm các loại như chân vịt tàu, giá bếp gas, khung xe máy, bạc bi, doanh thu khoảng gần 20 tỷ đồng.

Hiện, công ty có 100 công nhân đa số là con em địa phương, với thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Đầu ra sản phẩm ổn định, nhưng khó khăn nhất là mặt bằng và vốn. Nếu có mặt bằng, công ty có thể tạo việc làm thêm cho khoảng 50 công nhân nữa".

Chị Lê Thị Hương đang làm việc tại Công ty Thành Phương phấn khởi: "Công nhân mới vào được dạy nghề miễn phí và hưởng 70- 80% lương. Làm nghề này tuy vất vả, nhưng bù lại thu nhập cao và ổn định, lại gần nhà, nên mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được gần triệu bạc tiền thuê nhà, ăn, ở".