Hoạt động phòng chống thuốc lá còn khó khăn
Phát biểu tại lễ mít tinh bà Nguyễn Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn kết quả điều tra từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm có 7 triệu người tử vong trên toàn thế giới liên quan tới thuốc lá. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 8 triệu vào năm 2030 nếu các nước không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Lãnh đạo Bộ Y tế cùng khách mời phát động lễ mít tinh.
Sử dụng thuốc lá gây tổn thất kinh tế lên tới 1.400 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tổn thất này gồm chi phí điều trị bệnh, giảm năng suất lao động. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm tăng bất bình đẳng dẫn tới đói nghèo và chậm tiến bộ. Kết quả điều tra của WHO cũng cho thấy, có tới 80% số ca tử vong do thuốc lá xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Gieo trồng thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn cung nước trên toàn cầu. Hàng năm thuốc lá sử dụng 4,3 triệu ha đất và gây ra nạn phá rừng (khoảng 2-4% tổng diện tích rừng).
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, tại Việt Nam chúng ta đã có nhiều hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Bộ Y tế đang lấy ý kiến của người dân để sửa Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Bằng nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá mà tỷ lệ hút thuốc lá ở nhiều nhóm tuổi đã giảm mạnh. “Tỷ lệ học sinh hút thuốc là từ 13-15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống còn 2,5% năm 2014. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12-15%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tỷ lệ hút thuốc giảm từ hơn 47% năm 2010 xuống còn 45% năm 2016” – bà Tiến dẫn chứng.
Bên cạnh những thành tích đạt được, bà Tiến cũng chỉ ra công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, do vậy tỷ lệ thanh thiếu niên hút và nghiện cao. Bên cạnh đó, sản phẩm thuốc lá bày bán ở khắp mọi nơi, từ cửa hàng tạp hoá, cổng trường... giá lại rất rẻ nên học sinh sinh viên, người ít tiền cũng có thể mua được.
“Luật và quy định cấm xử phạt thuốc lá còn hạn chế, việc xử phạt không nhiều. Số tiền phạt chưa nặng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho đối tượng vi phạm lệnh cấm sử dụng, buôn bán thuốc lá nhờn thuốc” – bà Tiến nói thêm.
Hướng tới lồng ghép các chương trình
TS. Lokky Wai - Trưởng Đại diện Văn phòng tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tổn thất do thuốc lá mang lại trên toàn cầu là rất lớn, khó có thể đo đếm hết được. Riêng tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá mang lại chiếm tới gần 1% GDP mỗi năm. Nếu kiểm soát được những tổn thất này có thể giúp giảm nghèo, tăng năng suất lao động và thúc đẩy phát triển toàn quốc.
“Việt Nam đã có những hành động mạnh mẽ để phòng chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên kết quả này còn có thể cải thiện nhiều hơn nếu Việt Nam tăng thuế thuốc lá. Thuế thuốc lá Việt Nam mới chỉ chiếm 40% giá bán lẻ, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là 58%, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ” – TS. Lokky Wai kiến nghị.
Hành động này nếu được thực thi sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc giảm hút thuốc lá, đồng thời tăng doanh thu thuế cho chính phủ.
Để khắc phục những khó khăn đã nói ở trên, thúc đẩy hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá một cách hiệu quả, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá làm điểm vài mô hình. Ngoài mô hình làm điểm phòng, chống tác hại của thuốc lá còn cần làm điểm những mô hình cai nghiện thuốc lá...
“Đặc biệt thời gian tới cần phải lồng ghép vấn đề cai nghiện thuốc lá với các vấn đề phòng chống bệnh không lây nhiễm, có vậy mới tăng tính hiệu quả khi thực hiện chương trình” – bà Tiến nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng kêu gọi các đơn vị tổ chức đoàn thể hưởng ứng chương trình, đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế của từng đơn vị, như bệnh viện, trường học, nơi công cộng.
Nhân Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế gửi tới thế hệ trẻ lời nhắn: “Các bạn hãy nói không với thuốc lá để xây dựng một thế hệ công dân tương lai của đất nước khoẻ mạnh” – bà Tiến nói.
Lễ mít tinh Hưởng ứng ngày thế giới không hút thuốc lá 31.5 và Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá được thực hiện từ 25 tới 31.5. Mục tiêu tập trung tuyên truyền những tổn thất về kinh tế, sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra; những ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các quốc gia, đồng thời đề xuất các biện pháp để phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả nhằm bảo vệ sức khoẻ, thúc đẩy sự phát triển. |