Dân Việt

Siêu chiến binh một mình khiến 200 quân Nhật "khiếp vía"

Đăng Nguyễn - Tổng hợp 03/06/2017 00:25 GMT+7
Siêu chiến binh Gurkha quyết không lùi bước dù vấp phải đợt tấn công của phát xít Nhật với quân số vượt trội gấp nhiều lần trong đêm.

img

Chiến binh Gurkha ngày nay.

Theo Guardian,  Lachhiman Gurung sinh ra ở ngôi làng Dakhani, quận Tanhu thuộc Nepal, quê hương của người Gurkha.

Gia đình vốn rất nghèo nên Gurung thường xuyên bị thiếu ăn và cơ thể chậm phát triển. Nhưng bù lại, ông lại hết sức rắn rỏi.

Lớn lên, ông nhiều lần viết đơn xin gia nhập quân đội nhưng bị từ chối vì quá thấp, chỉ cao khoảng 1 mét 5. Khi Thế chiến 2 bùng nổ, ông mới được tuyển chọn vào cuối năm 1940.

Giống như các chiến binh Gurkha khác, ông sớm được chuyển đến Myanmar, chiến đấu chống phát xít Nhật trong Thế chiến 2.

Năm 1945, Lachhiman Gurung khi đó 27 tuổi, phục vụ trong đơn vị Lữ đoàn Ấn Độ số 89 của Sư đoàn số 7, với nhiệm vụ vượt sông Irrawaddy và tiêu diệt phòng tuyến của kẻ thù ở phía bắc tuyến đường Prome-Taungup.

Đến ngày 9.5.1945, quân Nhật sau nhiều lần thất bại, đã rút chạy về phía cánh đồng Taungdaw. Lachhiman Gurung nằm trong đơn vị Gurkha số 8 có nhiệm vụ ngăn chặn đường rút của quân Nhật tại làng Taungdaw, ở bờ sông phía tây.

img

Chiến binh Gurkha huấn luyện ở Le Sart, Pháp ngày 25.6.1915.

Đêm ngày 12.5, Lachhiman Gurung canh gác ở phía trước nơi đơn vị đóng quân trong khi mạng lưới liên lạc bị cắt đứt.

Vào lúc 1 giờ 20 phút sáng, hơn 200 quân Nhật tấn công đúng vào vị trí mà Lachhiman Gurung canh gác. Nếu đánh chiếm được trạm gác của Gurung, quân Nhật sẽ có thời gian chuẩn bị lực lượng nghênh chiến đơn vị Gurkha.

Một quả lựu đạn ném vào đúng nơi Gurung ẩn nấp. Ông nhanh chóng nhặt lấy và ném lại về phía đối phương. Quả lựu đạn thứ hai cũng như vậy nhưng đến quả thứ ba, lựu đạn rơi xuống phía trước chiến hào và phát nổ ngay khi ông nhoài người ra nhặt lấy.

Sức công phá của vụ nổ không lớn nhưng khiến cho Gurung tổn thương vĩnh viễn cánh tay phải, bị thương ở mặt, thân người và chân phải. Hai đồng đội của chiến binh Gurkha bị thương nặng và không còn khả năng chiến đấu.

Quân Nhật nhân cơ hội dàn hàng ngang xông lên siết chặt vòng vây. Mặc dù bị thương nhưng Gurung bình tĩnh dùng khẩu Lee-Enfield Mk. III bắn từng phát một để đáp trả.

Ông còn hô vang: “Đến đây mà chiến đấu với Gurkha này”. Quân Nhật không biết được có bao nhiêu người phòng thủ ở chiến hào nên không dám vội vàng tiến lên. Suốt 4 giờ trong đêm, Gurung một mình chờ đợi những tên lính Nhật xuất hiện trước tầm ngắm để khai hỏa.

img

Đơn vị Gurkha trong Thế chiến 1.

Cho đến rạng sáng ngày hôm sau, đơn vị Gurkha đến yểm trợ và đếm được xác 87 lính Nhật, 31 tên nằm la liệt ngay trước nơi Gurung cố thủ. Chiến binh Gurkha khi đó vẫn tràn đầy sức lực và nói: “Hãy đến đây chiến đấu. Ta sẽ giết hết các ngươi”.

Quân Nhật còn tổ chức thêm nhiều đợt tấn công nữa nhưng đơn vị Gurkha số 8 đều xuất sắc ngăn chặn trong suốt 3 ngày.

Gurung sau này từng nói: “Tôi phải chiến đấu vì không còn cách nào khác. Tôi nghĩ mình đằng nào cũng chết, nhưng đó phải là cái chết ngẩng cao đầu. Tất cả những gì tôi biết là mình phải chiến đấu. Tôi cảm thấy vui vì đã cống hiến được sức lực cho đơn vị”.

Sau trận chiến, Gurung được đưa đến bệnh viện. Nhưng ông vĩnh viễn mất đi cánh tay phải và mắt phải. Ông được trao trao tặng huân chương Chữ Thập cao quý của Nữ hoàng Anh vào tháng 12.1945.

Trong ngày trao huân chương, ông được vinh danh: “Người lính gan dạ này, đã chiến đấu chống lại kẻ thù đến cùng, dù đơn vị bị bao vây suốt 3 ngày. Sự dũng cảm của ông vì nhiệm vụ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn là yếu tố chính giúp đánh bại kẻ thù”.

img

Lachhiman Gurung qua đời năm 2010.

Gurung sau đó tiếp tục phục vụ trong đơn vị Gurkha số 8 và được chuyển sang quân đội Ấn Độ sau khi nước này dành độc lập năm 1947. Ông nghỉ hưu với hàm trung sĩ cùng năm.

Trở về quê hương Nepal, ông mở trang trại nuôi bò, dê và trâu cùng với vợ và hai người con.

Trong những năm cuối đời, ông chuyển đến sống ở Anh nhưng đối mặt với làn sóng bị trục xuất vào năm 2008. Chính phủ Anh từ chối cho 2.000 cựu binh Gurkha ở lại Anh vì lý do “không chứng minh được mối liên hệ đặc biệt với Anh”.

Tháng 5.2009, nỗ lực của Gurung đã đem lại kết quả khi chính phủ Anh chấp nhận cho các cựu binh Gurkha nghỉ hưu trước năm 1997, từng có 4 năm phục vụ trong quân ngũ, được phép sống ở Anh.

Mong ước cuối đời của ông là có cháu gái Amrita, 20 tuổi ở bên chăm sóc và điều này cũng được Nữ Hoàng Anh đáp ứng.

“Tôi đã trả một cái giá rất lớn vì nước Anh”, Gurung nói. “Nhưng tôi không hề phàn nàn, tôi yêu đất nước này giống như gia đình mình. Trong những ngày cuối cùng, tôi chỉ cầu xin Nữ hoàng cho phép cháu gái được đến đây chăm sóc tôi”.

Lachhiman Gurung qua đời vào ngày 12.12.2010, ở tuổi 92.

Những siêu chiến binh đáng sợ, hễ rút dao là có máu đổ

Những chiến binh bộ lạc Gurkha ở Nepal đã tham gia vào hầu hết các cuộc chiến tranh trên thế giới trong hơn 2 thế kỷ qua...

_________________

Bài viết xuất bản ngày 2.6 sẽ kể lại câu chuyện về chiến binh Gurkha đơn độc chiến đấu chống 30 tay súng Taliban.