Trưa 30.5 (mùng 5.5 âm lịch), từ 11h, trên các ngả đường ở Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), người dân đủ các độ tuổi lớn, nhỏ bắt đầu kéo nhau ra biển tắm.
Người dân chở nhau xuống biển tắm.
Bãi để xe ken kín phương tiện.
Nhiều bậc cao niên nơi đây khi nghe PV hỏi đều lắc đầu: "Phong tục tắm biển lấy hên của người dân Phổ Thạnh vào tết Đoan Ngọ chính xác ra đời khi nào thì không ai rõ, chỉ biết rằng nó đã có từ nhiều chục năm nay và ngày càng thu hút đông người tham gia hơn".
Ôm con đi tắm biển cầu may.
Theo quan niệm dân gian, cứ đến đúng khoảng 12h ngày mùng 5.5 ra biển tắm thì sự xui xẻo, đen đủi sẽ được biển gội rửa và mang đi. Theo đó người đi tắm sẽ gặp được nhiều may mắn hơn.
Từ nhiều năm qua, cứ đúng 12h trưa Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch), suốt chiều dài hơn 2 km của bờ biển Sa Huỳnh, nằm giữa 2 xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, nhiều người dân nơi đây kéo nhau ra tắm biển, với số lượng lên đến hàng ngàn người.
Bĩa biển đông kín người.
"Thật hư phong tục này không rõ thế nào nhưng từ khi còn nhỏ, cứ đến thời điểm này thì tôi lại được ba, mẹ dẫn ra biển để tắm. Giờ đã lập gia đình và có 2 con nhưng dù bận bịu thế nào tôi cũng thu xếp để đưa cả gia đình ra tắm biển", anh Nguyễn Văn Nam (29 tuổi, ở thôn Thạch By) tâm sự.
Trẻ em vô cùng thích thú khi được người thân dẫn đi tắm biển vào buổi trưa.
Nhiều người còn cho rằng chỉ duy nhất vào đúng 12h trưa Tết Đoan Ngọ, ngước mắt nhìn mặt trời không bị chói. "Những ai nhìn mặt trời mắt sẽ sáng và ít bị bệnh hơn", ông Lê Hải (59 tuổi, ở cùng thôn Thạch By) góp chuyện.
Ở Bình Định, TT Huế và nhiều tỉnh miền Trung khác, người dân ven biển cũng lũ lượt ra biển tắm để cầu may trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ xô ra biển Quy Nhơn (Bình Định) để tắm.
Không khí tại các bãi tắm tại TP.Quy Nhơn trở nên rất náo nhiệt khi người dân ồ ạt kéo nhau xuống biển.
Những hàng quán dịch vụ dọc bãi biển bán chạy như tôm tươi. Các điểm giữ xe tự phát cũng mọc lên như nấm và kiếm bộn tiền với giá trông xe máy là 5.000 đồng/chiếc.
Không kể già trẻ, gái trai đều tự chuẩn bị chờ đến giờ ra biển tắm.
Anh Nguyễn Trung Kiên (40 tuổi) cho hay: “Đúng 12h, chúng tôi ra biển tắm cầu an, xả xui cho một năm đã qua. Được về với biển cả vào ngày này, giờ này chúng tôi ai cũng vui vẻ, háo hức”.
Bãi biển Quy Nhơn đã chật kín người, từ già cho đến trẻ nhỏ, tạo không khí náo nhiệt giữa cái nắng chói chang của mùa hè.
Tại bãi tắm Thuận An và Phú Thuận (huyện Phú Vang, TT Huế), từ khoảng 10 giờ hôm nay đã có rất nhiều người dân đến tắm biển. Anh Nguyễn Anh Tuấn- người kinh doanh quán nhậu ở bãi tắm Thuận An- cho biết: Những ngày gần đây bãi tắm này khá vắng khách do thời tiết se lạnh, biển có sóng lớn. Tuy nhiên, do hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ nên mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng rất nhiều người dân tìm đến bãi biển để ăn uống và tắm rửa. Mặc dù biển sóng lớn, nước đục và lạnh nhưng nhiều người dân ở Thừa Thiên- Huế vẫn ra biển tắm để "tẩy uế" dịp Tết Đoan Ngọ (ảnh chụp tại bãi biển thôn An Dương). Ảnh: An Sơn. Theo anh Tuấn, người dân vùng biển Thuận An cũng như các vùng biển khác ở quan niệm rằng, vào dịp Tết Đoan Ngọ thì phải tắm biển để tẩy uế cơ thể nhằm phòng tránh bệnh tật. Thời điểm tập trung đông người tắm biển nhất là vào 12 giờ trưa, khi mặt trời đứng bóng, bức xạ mặt trời mạnh nhất. “Cùng với việc tắm biển, người dân còn vắt nước chanh vào mắt rồi ngước mặt nhìn thẳng lên mặt trời. Khi nhìn lên mặt trời, nam phải nháy mắt 7 lần, còn nữ nháy mắt 9 lần. Người dân quan niệm rằng việc làm này nhằm đem lại cho bản thân đôi mắt sáng, khỏe”- anh Tuấn kể. Cũng như các bãi tắm Thuận An, Phú Thuận, tại nhiều bãi tắm khác trên địa bàn Thừa Thiên- Huế cũng có lượng lớn người dân đến tắm biển trong ngày hôm nay. Tại bãi tắm thôn An Dương (xã Phú Thuận), từ 11 giờ đã có nhiều người dân tắm biển mặc dù biển lúc này có sóng to, nước biển đục và lạnh. Người dân thôn An Dương dựng chòi ngay tại bãi biển để phục vụ cho việc tắm biển và ngắm mặt trời vào giữa trưa Tết Đoan Ngọ. Ảnh: An Sơn. Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Phước- Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, quan niệm tắm biển và ngước mắt lên phía mặt trời vào giữa trưa Tết Đoan Ngọ để được khỏe mạnh của người dân địa phương đã có từ nhiều đời nay. “Đó là nét văn hóa thú vị đã và đang tồn tại ở nhiều vùng biển ở tỉnh chứ không chỉ riêng vùng Thuận An”- ông Phước nói. |