Nhược thị - kẻ thù số một của mắt trẻ
Theo bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, nhược thị là hiện tượng mắt kém ở một hoặc hai bên do các nguyên nhân khác nhau như lác mắt, do các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, lệch khúc xạ) hay một số bệnh lý tại mắt. Sau khi đã điều chỉnh kính mà mắt chỉ đạt thị lực dưới 7/10, chênh lệch thị lực giữa hai mắt trên 2/10 thì gọi là nhược thị.
Hướng dẫn trẻ tập máy chữa nhược thị tại BV Mắt Hà Nội. |
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có khoảng gần 36% các em bị tật khúc xạ học đường cần điều chỉnh kính. Trong đó, đa số các em đều mắc bệnh nhược thị, nếu không điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị suy nhược, thậm chí mù mắt.
Ngoài đeo kính đúng số, trẻ em cần được điều trị nhược thị đúng cách, nhằm khôi phục thị lực hoàn toàn cho trẻ. Để đáp ứng nhu cầu tập nhược thị, năm 2009, BV Mắt Hà Nội đã được Quỹ Fred Hollows trang bị một phòng tập nhược thị với tiêu chuẩn quốc tế. Phòng tập bao gồm máy Synopiscope đo độ lác, tập tật khúc xạ; máy định thị trung tâm, một số trò chơi luyện mắt trên máy tính và một số trò chơi như xâu hạt cườm…
Sau 10 buổi tập, mỗi buổi 1 tiếng, các em sẽ được khám lại mắt, xác định xem thị lực đã tăng hay chưa. Vào mùa hè, mỗi ngày phòng tập có khoảng 60-70 em đăng ký tham gia, còn vào năm học, mỗi ngày vẫn có khoảng 30 cháu. “Các buổi tập sẽ kích thích cho võng mạc tái hoạt động” – bác sĩ Ngọc cho biết.
Ba mươi nghìn và sáu triệu đồng
Giá của mỗi buổi tập điều trị nhược thị ở BV Mắt Hà Nội là 30.000 đồng/cháu, ngoài giờ hành chính là 50.000 đồng/cháu. Nhưng giá của Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt Nga lại là 5,9 triệu đồng /10 buổi tập, gấp gần 20 lần giá BV Mắt Hà Nội.
Trong vai một người mẹ đến tìm hiểu để đăng ký cho con đến tập, tôi được điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh – người trực tiếp hướng dẫn các cháu tư vấn rất nhiệt tình. Bà Hạnh làm tôi ù tai vì những từ rất “khoa học” và lạ hơn hẳn so với phòng tập của BV Mắt Hà Nội: Với các máy móc chuyên biệt nhập từ Nga sẽ kích thích lên các cơ quan của mắt bằng laser, điện trường, từ trường, massage chân không, phản ứng sinh học tác hồi lên hệ thần kinh thị giác…
BV Mắt Việt Nga đã loại bỏ tất cả các bài tập cổ điển như xâu kim, nhặt đỗ rất buồn tẻ đối với trẻ mà thay vào đó bằng các trò chơi trên vi tính (cũng là chương trình mua riêng từ Nga). Khi tôi ngỏ ý rằng giá cả quá cao so với các nơi khác, bà Hạnh cũng tỏ ý thông cảm nhưng đảm bảo chắc như đinh đóng cột rằng “đây là máy móc tập nhược thị hàng đầu tại Việt Nam, tiền nào của nấy”.
Tuy nhiên, bà Hạnh cũng nói thêm: “Không phải cháu nào tập xong thị lực cũng được cải thiện ngay. Nếu chưa tốt thì sau 6 tháng lại học khóa thứ hai”. Như vậy, cho dù máy móc hiện đại và giá tiền gấp 20 lần nơi khác thì cũng không lấy gì đảm bảo mắt của trẻ sẽ được phục hồi.
Bộ Y tế đang chuẩn bị điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, tuy nhiên, các bệnh viện tư dường như vẫn “nằm ngoài” khung điều chỉnh này. Cho dù “nguyên tắc bất thành văn” của các BV tư với bệnh nhân là “giá cả tự thỏa thuận”, nhưng để tránh việc bệnh nhân bị ép giá đến “chảy máu mắt”, Bộ cũng cần có những điều chỉnh khung đối với các loại dịch vụ của BV tư, tránh việc loạn giá, còn chất lượng chẳng biết lấy chuẩn nào mà so sánh.
Diệu Linh