Clip: Bác sĩ Tình chia sẻ về thời điểm cấp cứu cho các bệnh nhân
Một ngày sau sự việc 18 bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bất ngờ có biểu hiện nghi sốc phản vệ, sau đó 7 người tử vong, 11 người cấp cứu.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với Thạc sĩ Bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người trực tiếp cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân chạy thận sau khi xảy ra sự cố.
12h trưa 30/5, là giờ các cán bộ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình giải lao ít phút tranh thủ đi ăn trưa. Tuy nhiên, ông Tình vẫn đang trong Khoa hồi sức tích cực điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Ông Tình nói: “Từ hôm qua tới giờ tôi chưa dám ăn cơm mà chỉ ăn bánh mỳ. Sự việc xảy ra đột ngột khiến chúng tôi vô cùng đau xót. Các bệnh nhân chạy thận đã gắn bó với chúng tôi nhiều năm, mọi người còn nhớ cả sinh nhật, số điện thoại của nhau nên khi họ mất đi tôi rất buồn”.
Thạc sĩ Bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa hồi sức tích cực- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Ông Tình kể, các bệnh nhân điều trị tại khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân ít cũng một vài năm, bệnh nhân nhiều cũng gần 10 năm. Vì vậy, cũng có những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, họ rơi vào trạng thái như kiểu trầm cảm, chán nản. Họ muốn bỏ việc lọc máu vì các bệnh nhân cho rằng việc gắn bó với bệnh này như vậy là điều gì đó rất tồi tệ và khó khăn với họ.
Nhưng các bác sĩ ở bệnh viện đã lắng nghe suy nghĩ, động viên và rồi sau đó họ lại có động lực. Nhiều người bỏ lọc máu lại tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
Kể lại giây phút cấp cứu cho các bệnh nhân chạy thận có biểu hiện nghi sốc phản vệ. Ông Tình không muốn nhắc chi tiết. Ông Tình cho hay, ngay khi xảy ra sự việc, các bác sĩ đã xin ý kiến lãnh đạo và nỗ lực mọi cách để điều trị, cứu chữa bệnh nhân.
“Lúc xảy ra sự việc, nhiều điều dưỡng nữ đã khóc. Nhưng các bác sĩ đã trấn an bệnh nhân và người nhà bệnh bình tĩnh. 6 bệnh nhân không ra đi cùng một lúc, có bệnh nhân tử vong sớm, có bệnh nhân tử vong muộn. Bởi vì, diễn biến của mỗi người bệnh khác nhau. Sự việc xảy ra đối với tôi là một ác mộng và hiện giờ tôi phải chấp nhận sự thật đó”, ông Tình chia sẻ.
Phó Trưởng khoa hồi sức tích cực- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình kể thêm, kể từ khi xảy ra sự việc, ông chưa nhận bất kỳ một phản ứng tiêu cực nào từ phía người nhà có bệnh nhân tử vong.
“Người nhà nạn nhân có thể trách móc, có thể hỏi, có thể phản ứng mạnh với bác sĩ nhưng từ hôm qua đến giờ người nhà chưa nói với tôi câu nào nặng lời. Hiện giờ, tôi mong muốn các bệnh nhân còn lại sớm bình phục”, ông Tình nói.
Trước đó, khoảng 8h15 phút ngày 29/5 tại Khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện triệu chứng của sốc phản vệ (bệnh nhân có biểu hiện khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa).
Đến đêm 29/5, phía bệnh viện xác nhận, có 7 bệnh nhân đã tử vong, 1 người nguy kịch, còn 10 người khác đã ổn định và đang được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Các bệnh nhân đồng loạt có biểu hiện ngứa ngáy, buồn nôn, huyết áp cao, có người bị sốc hô hấp ngay tại chỗ.