Mỗi khi nghe nói đến “lộc rừng”, ông Quỳnh chia sẻ rằng, sau mấy năm bỏ công sức ra trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc thì nay việc nhận được hoa lợi là điều đương nhiên.
Chuối tây đã giúp gia đình ông Quỳnh nuôi rừng. |
Cách đây 20 năm, hơn 21ha đồi núi ở phường Phùng Chí Kiên còn trọc lốc, chỉ rặt cỏ tranh mọc bạt ngàn. Hành trình trồng rừng của ông Quỳnh và gia đình kéo dài hàng chục năm. Trước ông trồng keo, mỡ, sau này trồng thêm thông.
“Cũng may ngày đầu nhận trồng rừng, gia đình tôi nhận được sự hỗ trợ của Chương trình FAM tại Bắc Kạn, nhưng cũng vất vả vô cùng. Nước thiếu, để cây sống, gia đình tôi phải gánh từng xô nước trèo lên đồi núi để tưới. Hồi đó, tôi chỉ mong phủ xanh được khu đồi này tạo cảnh quan mà thôi”- ông Quỳnh cho biết.
Nói thì nói vậy, nhưng việc trồng rừng của ông Quỳnh đều có tính toán mà trong đó “lấy ngắn nuôi dài” vẫn là cách dễ áp dụng. Bên cạnh cây rừng, ông trồng các loại cây ăn quả lưu niên như quýt, nhãn, vải thiều. Một cây “ngắn ngày” cho hiệu quả kinh tế và giúp ông vượt qua thời gian chờ đợi cây rừng đến ngày thu hoạch là chuối.
Ông Quỳnh chia sẻ: “Những triền đồi thấp, thung sâu giữa 2 quả núi tôi cho trồng hàng ngàn gốc chuối tây. Chuối tây là cứu cánh cho gia đình tôi những năm đầu trồng rừng. Từ chuối tây, mỗi năm gia đình tôi cũng thu được vài chục triệu đồng”.
Bên cạnh các cây trồng ngắn ngày, một nguồn thu nhập khác của gia đình ông là chăn nuôi gia cầm. Ông nuôi hàng trăm con gà thả đồi. Gà của ông ngoài ăn thóc còn được ăn chuối chín. Cứ sáng ra ông treo dăm ba buồng chuối chín ngoài sân, gà đói thì về ăn chuối. Gần đây ông còn liên kết với một số người đầu tư nuôi vài chục con lợn rừng. Diện tích thông ông trồng vài năm trước nay đã xanh um. Có người bảo khu rừng nhà ông Quỳnh là “Đà Lạt thu nhỏ” của thị xã Bắc Kạn.
Lộc từ rừng đến với gia đình ông Quỳnh chắc chắn sẽ còn lâu dài. Sau mấy chục năm trồng rừng, giờ đây ông tâm đắc nhất chính là ngôi nhà sàn làm hoàn toàn bằng gỗ rừng trồng và do chính tay ông thiết kế.
Đông Hoàng