Đi trăm cây số để mua giống... dỏm
Nghe Viện Eakmat (tên thường gọi của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI, trụ sở tại 53 Nguyễn Lương Bằng, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) là nơi sản xuất giống uy tín, chất lượng, anh Mika ở buôn Tar, xã Ea HĐing, huyện Cư MGar, Đăk Lăk, đã lặn lội hơn trăm cây số để đến mua 300 cây cà phê về trồng.
Anh Mika cho hay, ở huyện Cư MGar cũng có nhiều nơi bán giống, nhưng nghe nói giống cây của Viện Eakmat là tốt nhất nên anh mới cất công đi tìm. Đến nơi, thấy một điểm bán giống có ghi chữ “Eakmat”, Mika liền ghé vào mua.
Một cơ sở sản xuất giống thô sơ tại thôn 2, xã Hòa Thắng. Ảnh: D.H
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đăk Lăk vừa công bố danh 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống cây trồng đảm bảo chất lượng. Có 3 điểm bán giống là thành viên HTX Nông lâm nghiệp Hòa Thắng (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột), và các cơ sở khác gồm: Giống cây trồng Năm Tiếp (xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột); Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat; Công ty TNHH Trịnh Mười (xã Hòa Thắng); Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Quốc Cường (75/53 Nguyễn Lương Bằng); Công ty CP Cao Nguyên Xanh; Trung tâm Giống cây trồng Vật nuôi Đăk Lăk (xã EaTu, TP.Buôn Ma Thuột). |
Tiền đã trao, cây giống đã chất lên xe, Mika mới biết rằng đó không phải là cây giống do Viện Eakmat sản xuất. Chẳng biết làm cách nào để “khiếu nại”, Mika đành chịu ấm ức chở cây giống về nhà.
Hai anh Y Văn và Y Nha (buôn Ba Yang, xã Krông Nô, huyện Lắk, Đăk Lăk) cũng vì nghe tiếng tăm của Viện Eakmat mà cất công đi tìm. Nhưng khi đến nơi, thấy điểm bán giống nào cũng đề chữ Eakmat, cả hai hoang mang không biết chọn chỗ nào để mua. “Anh em tôi định mua mấy trăm cây cà phê về trồng nhưng chẳng biết chỗ nào bán giống thật nên quyết định không mua nữa” - Y Văn nói.
Eakmat vốn là tên một địa danh, nhưng nhiều năm qua cái tên này đã gắn liền với Viện WASI, được biết đến như một địa chỉ có giống cây trồng đáng tin cậy. Chính vì điều này, các cơ sở bán giống khác đã “lập lờ” ghi thêm chữ “Eakmat” vào biển hiệu của mình.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn có mặt tại khu vực này, chúng tôi ghi nhận có hàng chục nông dân đến mua giống tại các cơ sở giống cây trồng ngoài Viện Eakmat. Người mua ít thì vài trăm cây, người mua nhiều thuê cả xe tải đến để chở. Khi được hỏi tất cả đều cho biết vì tin tưởng giống của Viện Eakmat nên đã tìm đến mua, song họ không hề biết rằng mình đã mua giống nhầm địa chỉ.
Không đủ sức kiểm soát
Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Vinh - Giám đốcTrung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (trực thuộc WASI) cho biết, hiện đơn chỉ có một điểm giới thiệu sản phẩm tại trụ sở và một điểm bán giống tại vườn ươm ở xã Hòa Thắng, không có bất kỳ đại lý cấp 2 nào.
Theo ông Vinh, việc sản xuất giống cây của đơn vị trải qua một quy trình hết sức nghiêm ngặt từ khâu xử lý đất đến việc chọn nguồn giống. Trước khi đưa ra thị trường, cây giống của Trung tâm sẽ được kiểm tra lần cuối, nếu sạch bệnh mới bán...
Trong khi việc sản xuất của Viện Eakmat trải qua quy trình bài bản thì việc sản xuất cây giống của người dân sơ sài hơn. Tại một điểm sản xuất giống ở thôn 11 xã Hòa Thắng, chúng tôi ghi nhận người dân chỉ nhồi đất vào bì nylon rồi cho hạt giống vào ươm. Chủ nhân điểm sản xuất giống này thừa nhận, cơ sở của chị sản xuất “chui”, không xin phép cơ quan chức năng. Việc ươm giống dựa trên kinh nghiệm là chính.
Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, ngoài các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật thì các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, theo mùa vụ rất khó kiểm soát. Họ thường không có địa chỉ cố định, thường xuyên lẩn tránh cơ quan chức năng. Vì vậy, tình trạng sản xuất, kinh doanh cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng xảy ra ở nhiều nơi.
Tình trạng này một phần cũng do công tác kiểm tra, thanh tra không thể thực hiện thường xuyên vì nhân lực thiếu, kinh phí phục vụ cho công tác thanh kiểm tra cũng hạn chế. Chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã chưa thể hiện hết vai trò trong việc xử lý các cơ sở vi phạm.
Để lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống, trong năm 2017 Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV thanh tra, kiểm tra tại 36 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm tại các huyện Krông Năng, CưKuin, Krông Păk, CưMgar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột.
Qua đó cho thấy, do nhu cầu sử dụng giống trong dân quá lớn, nguồn giống lấy từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng không đủ cung cấp nên đã phát sinh tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Đa số các cơ sở sản xuất giống sử dụng vật liệu nhân giống từ cây trong vườn nhà, chọn cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, tuy nhiên những cây này chưa được cơ quan chức năng công nhận là cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng.