Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Luật sư bảo vệ thân chủ nhưng cũng phải bảo vệ công lý. Luật sư bảo vệ thân chủ cũng phải thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp luật. Tất nhiên trong dự luật giới hạn chỉ ở những tội nào thật nghiêm trọng thì mới tiết lộ thông tin của thân chủ khi biết họ phạm tội. "Nói từ tố giác khó nghe lắm, dùng từ tiết lộ thông tin của thân chủ khi biết họ phạm tội", bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Đàm Duy
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề này sẽ được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Liên đoàn luật sư họp với nhau để thảo luận thêm cho hết ý, làm sao thấu tình đạt lý, rồi đưa ra Quốc hội xem xét, có thể Quốc hội lấy phiếu để quyết định vấn đề này. "Nếu đa số đại biểu Quốc hội chọn thì đưa vào luật, cuối cùng là quyền của Quốc hội" - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Trước đó tại Hội nghị góp ý về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 (sau phiên Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường), khi đề cập đến quy định luật sư có trách nhiệm tố giác thân chủ, Chủ tịch Quốc hội có nói: Ngoài đạo đức, luật sư còn trách nhiệm của một công dân. Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại. "Ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, luật sư biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì hoàn thành nghĩa vụ luật sư của mình với thân chủ, nhưng điều này ảnh hưởng tới quốc gia, tới nhiều người dân vô tội khác, nên biết mà không tố giác, làm ngơ là không được.