Dân Việt

Hàng nghìn giếng nhiễm chất độc gây ung thư, dân không hề biết

21/09/2011 10:51 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi hàng nghìn giếng ngầm ở một số tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị nhiễm độc tố Arsen, người dân lại vẫn hoàn toàn mù tịt thông tin.

“Thần chết” rình rập!

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng hơn 1 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ Arsen cao hơn từ 20 - 50 lần nồng độ cho phép. Riêng ở ĐBSCL, nồng độ Arsen cao trên 10ppb (10ppb = 0,01mg/l) chủ yếu tập trung vùng ven sông Tiền, sông Hậu và vùng Đồng Tháp Mười.

img
Hàng nghìn hộ dân ở ĐBSCL vẫn vô tư xài nguồn nước nhiễm Arsen.

Thống kê mới nhất cho thấy, tại An Giang, trong số 2.966 mẫu nghiên cứu có 40% số giếng bị nhiễm trên 50ppb, 16% nhiễm dưới 50ppb. Tại Long An trong số 4.876 mẫu nước ngầm có 56% mẫu nhiễm Arsen. Tại Đồng Tháp trong 2.960 mẫu nước ngầm có 67% nhiễm Arsen, trong đó huyện Thanh Bình có 85% mẫu thử nhiễm Arsen với hàm lượng trên 50ppb.

Arsen được liệt kê là một trong những chất gây ung thư và nằm trong danh sách 20 chất độc nhất.

Tại Kiên Giang qua lấy 3.000 mẫu khảo sát có 51% nhiễm Arsen… Kết quả xét nghiệm mẫu nước của Trung tâm Y tế dự phòng huyện An Phú, An Giang năm 2008, cho thấy 253/260 mẫu bị nhiễm Arsen với nồng độ vượt mức cho phép.

Qua khảo sát thực tế, trung tâm y tế đã đánh dấu 553 giếng khoan bị nhiễm Arsen nặng có nồng độ vượt trên 50ppb, đơn cử có trường hợp đến 800ppb.

“Mù” thông tin

Ông Bùi Văn Đực, ấp Thành Lập, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Đa số người dân nơi đây đều sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Giếng nước nhà ông được khoan cách đây 10 năm, gia đình có 5 người, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào cái giếng này.

Ông Đực nói tỉnh queo: “Khoan giếng có nước thì cứ xài chứ còn chuyện nước nhiễm chất độc gì đó thì tôi hoàn toàn không nghe và cũng đâu có thấy mấy ông cán bộ khuyến cáo gì đâu”.

Từ năm 2005, Viện Vệ sinh y tế công cộng đã công bố An Giang là tỉnh nhiễm Arsen cao nhất nước. Arsen độc hại ở nồng độ cao và rất khó phát hiện bởi vì tính chất không màu không vị. Arsen hay còn gọi là thạch tín, độc gấp 4 lần thủy ngân. Nếu bị nhiễm độc từ từ, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể tạng mỗi người có thể xuất hiện nhiều bệnh như: Ung thư, rụng tóc, buồn nôn, giảm cân…

Không riêng gì ông Đực hầu như người dân hoàn toàn mù tịt thông tin về độc tố Arsen. Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, ngụ xã Tân Công Chí, sau khi cán bộ trung tâm y tế dự phòng lấy mẫu nước giếng đem đi xét nghiệm kết quả nồng độ Arsen ở mức 100ppb thì cả gia đình mới phát hoảng, lo sợ sau gần 10 năm sử dụng nguồn nước này. Điều đáng nói là giếng nước ngầm ở gia đình nhà anh Hòa chỉ được khoan ở độ sâu rất cạn - 15m.

Theo ông Trần Anh Thư - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh An Giang, các giếng khoan bị nhiễm Arsen đã có ở An Giang khoảng 7 năm qua. Đây là những khu vực cách xa kênh rạch, sông ngòi và không có nhà máy cung cấp nước nên người dân phải tự khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, nấu nướng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Nhiều nông dân cứ nghĩ đơn giản nước giếng sau khi bơm lên chứa vào lu, bồn rồi lắng phèn hoặc nấu chín sẽ giảm hoặc loại bỏ được độc tố.

Ông Thư khẳng định: “Việc lắng phèn chỉ có thể làm cho nước trong hơn chứ không loại bỏ được Arsen. Người dân dễ bị ngộ nhận rằng nước giếng khoan trong là nước tốt, không có tạp chất hoặc Arsen nhưng kết quả kiểm tra mẫu nước thì hoàn toàn ngược lại”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở 2 địa phương là xã Bình Phú và thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, hàng năm có số người chết do bị ung thư cao bất thường. (21/09/2011)

Ông Huỳnh Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, cho biết: “Phần lớn người dân trong xã đều sử dụng nước giếng khoan từ lòng đất nhưng giếng khoan rất cạn”. Trưởng ấp Gò Da - ông Nguyễn Hưởng, cho hay từ năm 2006 đến nay trên địa bàn của ấp và ấp Công Tạo đã có gần 30 người chết vì mắc căn bệnh ung thư.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Thanh N (SN 1981) ở ấp Công Tạo, mới mất 3 tháng vì căn bệnh ung thư bao tử. Bà Nguyễn Thị Lệ - mẹ ruột của anh N, mếu máo nói: “Thằng N nó khỏe mạnh lắm. Từ lúc phát bệnh đến chết không thấy nó có biểu hiện gì bất thường. Kỳ lạ quá xung quanh đây mọi người đều chết vì mắc phải căn bệnh quái ác này, không biết có phải do sử dụng nước giếng không nữa”.

Kề cạnh bên là nhà của ông Đỗ Văn C -cũng bị ung thư chết cách đây khoảng 5 năm. Chị Đỗ Thị Bích Nga - con ông C, cho biết: “Từ ngày cha mất đến nay, hàng ngày gia đình vẫn sử dụng giếng nước khoan để sinh hoạt bình thường, nhà có mấy đứa nhỏ nên cũng hơi hơi sợ vì thế mua nước bình uống cho chắc ăn”.

Ông Nguyễn Văn Hồng - ở ấp Gò Da, lo lắng: “Do chưa có kết luận hay khuyến cáo của các ngành chức năng thì người dân nơi đây vẫn phải xài nước giếng để sinh hoạt, ngoài nước giếng ra thì không có nguồn nước nào thay thế”.

Ông Huỳnh Văn Thế cho biết: “Trước tình hình người dân chết vì căn bệnh ung thư trên địa bàn xã ngày một tăng nghi là do sử dụng nguồn nước, phía xã đang đề nghị Sở KHCN lấy mẫu nước để kiểm tra. Đồng thời, hiện xã cũng đang kiến nghị các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng nghiên cứu, đánh giá lại những trường hợp chết vì ung thư có phải do nguồn nước hay không để cho người dân yên tâm”.