Dân Việt

Dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao

21/09/2011 09:24 GMT+7
(Dân Việt) - Hầu hết số trẻ mắc bệnh đều là những trẻ chưa hề bị phơi nhiễm với virus VE71, còn ý thức của người dân về vệ sinh vẫn kém. Do vậy, diễn biến dịch vẫn sẽ còn phức tạp và có nguy cơ bùng phát cao.

Trao đổi với NTNN, ngày 20.9, TS BabaTunde Olowokure - Trưởng nhóm Giám sát và ứng phó các bệnh mới nổi thuộc của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã khẳng định WHO sẽ luôn sát cánh với Việt Nam trong việc ngăn ngừa và điều trị dịch tay chân miệng (TCM).

Về tình hình bệnh TCM ở Việt Nam tại thời điểm này, ông B.Olowokure cho rằng, một trong những lý do khiến số ca mắc bệnh TCM tăng cao là do chưa có vaccin phòng bệnh. Trong khi đó, hầu hết số trẻ mắc bệnh đều là những trẻ chưa hề bị phơi nhiễm với virus VE71, còn ý thức của người dân về vệ sinh vẫn kém. Do vậy, diễn biến dịch vẫn sẽ còn phức tạp và có nguy cơ bùng phát cao.

img
 

Theo ông B.Olowokure, WHO đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế Việt Nam khống chế dịch TCM trong thời gian qua. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao về tình hình phòng chống dịch bệnh; phối hợp với WHO và y tế địa phương mở 84 lớp tập huấn về giám sát và phòng ngừa bệnh cho các cán bộ y tế từ trung ương tới địa phương...

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 42.673 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 98 trường hợp tử vong (hơn 3/4 số trường hợp tử vong là trẻ em từ 0-3 tuổi).

Hiện nay, WHO đang phối hợp với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (USCDC) hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dịch tễ, thực hiện truyền thông và kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoạt động nghiên cứu để phát hiện ra các chủng virus mới…

“Hiện WHO vẫn chưa thấy có điều gì bất thường từ các chủng virus gây bệnh CTM tại Việt Nam” - ông B.Olowokure cho hay.

Theo TS B.Olowokure, bệnh chưa có vaccin phòng trị nên WHO đặc biệt nhấn mạnh một số biện pháp phòng ngừa như người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thực hiện sát khuẩn, không tiếp xúc thân mật, dùng chung đồ với trẻ mắc bệnh; Cần thực hiện làm sạch đồ dùng sinh hoạt bằng xà phòng và nước, sau đó sát khuẩn bằng các dung dịch pha loãng chứa CloraminB.

Các cơ quan chức năng cùng với các cơ sở y tế nên chú trọng đến việc giáo dục truyền thông để người dân vệ sinh và rửa tay sạch với xà phòng.