Ngày 31.5, ông Đào Duy Linh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, thời gian gần đây, đại diện Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) đã nhắn tin mỗi ngày về lưu lượng vận hành chạy máy, xả lũ. Các tin nhắn này chỉ giới hạn cho một số cán bộ chức trách địa phương và việc thông tin, cảnh báo đến người dân vẫn rất hạn chế.
Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ. Ảnh: Lê Kha
Đặc biệt, lần đầu tiên sau 8 năm hoạt động, ngày 29.5, SBH đã xả lũ giữa mùa khô ở mức cao nhất (1.200m3/s), trong đó, lưu lượng xả nước chạy máy hết công suất 220MW là 400m3/s.
Theo ông Linh, lưu lượng xả lũ 1.200m3/s hiện chỉ mới ngập nhẹ một số khu đất sản xuất ở ven và giữa sông Ba. Đây là những diện tích người dân tự ý canh tác, chính quyền đã khuyến cáo về nguy hiểm xảy ra. Thiệt hại không đáng kể nên chưa đặt ra vấn đề đền bù.
“Những ngày qua, chính quyền địa phương đã tiến hành thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh nguy hiểm xảy ra khi nước lớn đột ngột giữa mùa khô mà có mưa lớn. Trong phương án tổng thể về vận hành của SBH, nếu xả lũ đến 3.600m3/s, nhà cửa của dân vùng hạ du sông Ba vẫn chưa bị ngập đáng kể. Tuy nhiên, phải giám sát, siết chặt hơn nữa quy trình xả lũ của SBH và tìm thêm phương án thông tin cảnh báo hiệu quả hơn đến người dân hoạt động trên sông này” - ông Linh nói.
Đất ven sông Ba bị ngập ngay giữa mùa khô. Ảnh: Lê Kha
Trong khi đó, sau vụ 4 học sinh chết đuối, ngày 24.5, SBH báo cáo chỉ xả lũ ở mức 360m3/s trong ngày này (24.5) và khẳng định làm đúng quy trình. Tại cuộc họp khẩn ngày 25.5, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, SBH đã có lỗi khi xả lũ đột ngột giữa mùa khô mà không cảnh báo đầy đủ, kịp thời đến người dân.
Cụ thể hơn, đại diện lãnh đạo huyện Sơn Hòa chỉ rõ: “Nếu có cảnh báo sớm của SBH thì đã không có tai nạn xảy ra. Với lượng mưa lớn như hiện nay, nếu SBH chạy hết công suất thì khả năng còn nhiều tai nạn nữa trên sông Ba”.
Chính quyền Phú Yên cũng đã giao Sở Công Thương tỉnh này chủ trì xây dựng phương án cảnh báo cụ thể, hiệu quả nhất để phòng tránh nguy hiểm từ việc xả nước phát điện, kể cả trong mùa khô. Tuy nhiên, phương án trên hiện vẫn chưa ban hành.