Trụ sở Công ty Thiên Sơn khóa kín sáng nay, ở bên trong, cơ quan chức năng đang làm việc với lãnh đạo công ty. (Ảnh: Hòa Nguyễn)
Sáng nay, PV Dân Việt đã tìm đến trụ sở Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và ghi nhận công ty đang đóng cửa im lìm. Cổng của trụ sở công ty này luôn được đóng kín và khóa trái. Rất đông PV các cơ quan báo chí đến đều không thể liên hệ được với đại diện công ty này.
Theo quan sát, thi thoảng có người ra vào trụ sở này nhưng cánh cổng được khép lại rất nhanh và khóa lại ngay sau đó. Được biết, cho đến khoảng 10h30, tổ công tác của cơ quan chức năng vẫn đang làm việc bên trong trụ sở Công ty Thiên Sơn. Chính vì vậy, cổng và các cửa của công ty đều khóa kín.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lại Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND phường Trung Hòa xác nhận, sáng nay, đoàn công tác của cơ quan chức năng có Phó Chủ tịch phường làm tổ trưởng cùng một số cán bộ y tế, công an phường, cán bộ tư pháp... đến kiểm tra hành chính Công ty Thiên Sơn. Trước đó, tối ngày 30.5, lực lượng công an cũng đã đến làm việc với công ty này. |
Theo hồ sơ của BVĐK tỉnh Hòa Bình, trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa nghiêm trọng, Công ty Thiên Sơn đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu để phục vụ bệnh nhân tại Khoa điều trị lọc máu BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Đúng 1 ngày sau đó, sáng 29.5, khi bệnh viện tiến hành lọc máu theo chu kỳ cho gần 20 bệnh nhân đầu tiên thì mọi người đều có dấu hiệu sốc phản vệ. Hậu quả của sự việc khiến 7 người bệnh tử vong, 1 người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Ngay trong đêm 29.5, 10 bệnh nhân khác đã được chuyển gấp đến Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị.
Trao đổi với Dân Việt sáng nay, Đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đến sáng 30.5 ngành đã khám nghiệm xong hiện trường và tử thi; đồng thời bàn giao tử thi cho các gia đình mai táng theo phong tục địa phương.
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK Hòa Bình nhận trách nhiệm và xin lỗi người nhà bệnh nhân cũng như nhân dân trước sự việc 7 người tử vong trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. (Ảnh: Thành An)
Trước đó, ngày 30.5, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân tai biến. Hiện tại, CSĐT Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã niêm phong máy móc, thiết bị và thuốc men liên quan đến việc chạy thận tại khoa Thận nhân tạo và làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Công ty Thiên Sơn có địa chỉ tại đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội) là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.
Theo thông tin báo chí phản ánh, năm 2014, Sở Y tế Hòa Bình đã từng có kết luận, BVĐK Hòa Bình dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Trương Quý Dương đã có sai phạm liên quan máy chạy thận nhân tạo.
Cụ thể, Bệnh viện ký hợp đồng thuê các loại máy móc, gồm: 2 máy xét nghiệm sinh hóa tự động của Công ty TNHH Bình Mai, 1 máy xét nghiệm miễn dịch tự động của Công ty TNHH thiết bị Minh Tâm, 1 máy xét nghiệm nước tiểu 11 thông số của Công ty CP thiết bị y tế Thịnh Phát, 1 máy xét nghiệm huyết học tự động của Cty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Đặc biệt là BVĐK Hòa Bình đã thuê 8 máy chạy thận nhân tạo của Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn.
Để giảm thiểu chi phí thuê mượn máy móc, trang thiết bị, BVĐK Hòa Bình đã dùng hình thức thanh toán là trả phí thuê máy cho các doanh nghiệp trên bằng việc mua các hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do các công ty này cung cấp.
Theo kết luận của Sở Y tế Hòa Bình, việc ông Trương Quý Dương - với tư cách Giám đốc BVĐK Hòa Bình - triển khai liên doanh, liên kết chưa đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2007 (ký ngày 12.12.2007) của Bộ Y tế.
BVĐK Hòa Bình chủ trương thực hiện thuê khoán, đã xây dựng đề án nhưng chưa báo cáo Sở Y tế. Đối với việc thuê khoán máy móc, trang thiết bị y tế, mua hóa chất, vật tư tiêu hao, ông Dương cũng thực hiện mà không báo cáo Sở Y tế. Với những sai phạm này, Sở Y tế Hòa Bình đã yêu cầu ông Dương “rút kinh nghiệm”.
Thông tư 15/2007 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Tại khoản III, điều 1 có quy định: a) Chủ trương sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ phải được thảo luận công khai, dân chủ và thống nhất bằng văn bản giữa Ban Giám đốc, Đảng ủy và tổ chức công đoàn của đơn vị. c) Phối hợp với các bên đối tác xây dựng Đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Đề án phải đầy đủ các nội dung theo quy định tại mục IV của Thông tư này. Đề án do Thủ trưởng đơn vị phê duyệt sau khi có thống nhất bằng văn bản giữa chính quyền, Đảng ủy và tổ chức công đoàn của đơn vị. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về việc phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án. d) Các đơn vị phải gửi Đề án về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp sau khi phê duyệt để theo dõi, kiểm tra và giám sát. Trường hợp Đề án có những nội dung không phù hợp với các quy định của Nhà nước thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phải có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại cho phù hợp. Cũng tại Thông tư này, khoản V điều 3 quy định: Chế độ báo cáo: Hàng năm, các đơn vị phải lập báo cáo kết quả hoạt động của các Đề án liên doanh, liên kết gửi Bộ chủ quản (đối với các cơ sở thuộc trung ương quản lý), gửi Sở Y tế (đối với các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý) trước ngày 31.3 năm sau. Sở Y tế và y tế các Bộ, ngành có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Y tế trước ngày 31.5 năm sau để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |