Dân Việt

An ninh nguồn nước đe dọa miền Tây

Huỳnh Xây 01/06/2017 06:35 GMT+7
Nguồn nước tiếp tục giảm mạnh sẽ khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu không có những biện pháp can thiệp. Đó là lời cảnh báo của các nhà khoa học tại một cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại TP.Cần Thơ.

Đối mặt với 6 thách thức lớn

PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức lớn, cụ thể là biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và di dân, khai thác tài nguyên quá mức, suy giảm môi trường, thay đổi sử dụng đất và sự đe dọa của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Trong đó, 5 thách thức ban đầu có thể ứng phó, cải thiện được, nhưng các đập thủy điện phía thượng nguồn mà nước bạn đang xây dựng không thể kiểm soát”. PGS Tuấn thông tin thêm, tình trạng trên đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL bởi tất cả việc sản xuất khu vực này đều phụ thuộc vào nguồn nước. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và an ninh xã hội.

img

Thách thức an ninh nguồn nước sông Mekong đang đe dọa ĐBSCL, dẫn đến diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp (Trong ảnh: Sạt lở nghiêm trọng trên sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, An Giang).  Ảnh: H.X

Hầu hết mọi vấn đề sinh hoạt, sản xuất của người dân ở ĐBSCL đều bằng nguồn nước sông Mekong. Nếu an ninh nguồn nước không đảm bảo, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Làm gì để giải quyết khó khăn?

GS-TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, nguyên chủ nhiệm chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho rằng:  “Để khắc phục tình trạng trên ở vùng ĐBSCL, cần phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước chung của 6 nước trong lưu vực sông Mekong với tinh thần hợp tác cùng phát triển”.

Nhiều chuyên gia nhận định, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quan trắc nguồn nước để có những dự báo sớm; tích cực hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác cho nông dân để chuyển diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước canh tác sang trồng các loại cây khác ít tiêu thụ nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng cơ chế phối hợp, liên kết chuỗi, liên kết vùng để cùng nhau phát triển.

Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước, các địa phương phải có kế hoạch phục hồi lại độ che phủ của rừng, đô thị hóa thông minh và phát triển các thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Nhân Quảng – chuyên gia quản lý lưu vực sông, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định: “Những dự án thủy điện ở thượng nguồn và dự án chuyển, lấy nước ở lưu vực đã gây ảnh hưởng đến các dòng chảy sông Mekong xuống hạ lưu của chúng ta, khiến đồng bằng không còn “lũ đẹp”. Theo ông Quảng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thu thập thông tin qua các nguồn khác nhau để có thể phân tích các tác động của việc khai thác tài nguyên nước sông Mekong và có kiến nghị các giải pháp kịp thời.