>> Xem nội dung phần đầu phiên chất vấn sáng 23-11 tại đây.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn sáng 23-11. Ảnh: Sỹ Lực |
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn: Nhiều báo cáo và ý kiến các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nhà nước chỉ mới đổi mới về hình thức, còn phương thức quản lý, quản trị vẫn như cũ, doanh nghiệp nhà nước trở thành nơi làm giàu cho một số cá nhân, Bộ trưởng có ý kiến gì? Riêng về vụ Vinashin, tổng tài sản là 105 ngàn tỷ đồng, khi đã bỏ tiền ra mua tàu thì giá trị tài sản trên thực tế còn bao nhiêu? Đánh giá cho thấy vấn đề tài chính Vinashin, trách nhiệm phần lớn thuộc về Bộ Tài chính, Bộ trưởng nhận xét gì?
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt câu hỏi xung quanh vấn đề quản lý nhà nước đối với Vinashin có nhiều sai phạm trong sử dụng nguồn vốn, mua sắm sai, đầu tư sai mục đích,…vậy mà việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước rất chậm. Vai trò của các Bộ (Tài chính, KH-ĐT) ở đâu? Không quản lý hay không quản lý được? Đại biểu Mạo dẫn chứng việc mua tàu thủy trị giá 168 tỷ đồng mà không đăng ký được, không gắn được cờ Việt Nam…
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Vinashin khi thành lập, vốn chỉ có 100 tỷ đồng, sau khi chuyển thành Tổng công ty rồi thành Tập đoàn, vốn được nâng lên 2.100 tỷ đồng. Vì là ngành tàu thủy nên lãi không lớn, cổ phần hóa cũng chưa thực hiện nhiều. Khi phát hiện Tập đoàn có vấn đề, Thủ tướng đã thành lập tổ tái cơ cấu sắp sếp lại việc kinh doanh, sắp xếp lại vốn điều lệ để bổ sung vốn theo quy định.
Về vấn đề quy mô và hiệu quả của doanh nghiệp được nâng cao dần qua các năm, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn khẳng định có tăng. Riêng năm 2009 là năm khó khăn, khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu nên "có thể hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa phải là cao", sự phát triển, phục hồi tăng trưởng cũng có những điều chưa đạt được.
Về vấn đề tài sản của Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết đến 30-6-2009, tổng tài sản 104 ngàn tỷ đồng, nợ 86 ngàn tỷ đồng. Nợ này nằm trong tài sản hình thành nên các dự án, nhà máy. Hiện nay 28/110 nhà máy đang hoạt động tốt.
Vinashin có mua một số tài sản, máy móc hiện đang được các cơ quan cho là vi phạm, số này không mất hết, mhưng xác định được mất bao nhiêu cần phải đánh giá. Để đánh giá cần phải kiểm toán và xác định giá trị thực, kết hợp với cơ quan điều tra. Khi đó mới trả lời được.
Về trách nhiệm quản lý, Vinashin được quyền tự huy động vốn và họ có trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay của Chính phủ. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, kiểm tra chứ không phê duyệt phương án sản xuất, không quyết định doanh nghiệp đầu tư vào đâu, mua gì.
Chúng tôi đã thanh tra, phát hiện ra sự đầu tư dàn trải, sử dụng vốn chưa hiệu quả, chúng tôi yêu cầu Vinashin phải xử lý. Có việc họ xử lý, có việc họ chưa thực hiện nghiêm túc, cũng có việc chưa thực hiện được ngay. Ví như việc mua-bán tàu, có xử lý nhưng chưa triệt để.
Từ tháng 4 đến tháng 6-2009, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu chấp hành kiến nghị các cơ quan, sắp xếp sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Năm 2010, tình hình Vinashin đã có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ và Thủ tướng đã quyết định tái cơ cấu một bước nữa. Đây là bài học cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh mẽ hơn khi phát hiện sai phạm.
Ngay sau khi Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, đại biểu Đặng Như Lợi đứng dậy khẳng định: Bộ trưởng đã không hề trả lời đúng vấn đề, không hề trả lời thỏa đáng. Ông nói tất cả các số liệu đều là của Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội. "Cách đây 2,3 năm theo số liệu của Bộ Tài chính vốn cấp cho các doanh nghiệp nhà nước chỉ được 20, 30%" - tôi muốn hỏi hiện nay đã đạt tỷ lệ bao nhiêu? Đại biểu Lợi nhấn mạnh câu hỏi về phương thức quản trị điều hành trong các doanh nghiệp nhà nước, thực chất không có sự tách biệt giữa quản lý và kinh doanh?
Về tài sản còn lại của Vinashin là bao nhiêu, các vị đại biểu Quốc hội đã bật cười khi Bộ trưởng Ninh nhắc lại tới hai lần: "Tôi khẳng định chắc chắn không mất hết", nhưng còn lại bao nhiêu hiện đang đánh giá.
Đại biểu Đặng Như Lợi đặt câu hỏi sáng 23-11. Ảnh: Sỹ Lực |
Chính phủ đã chi 218 tỷ đồng cho Đại lễ
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về số liệu "94 ngàn tỷ đồng kinh phí cho đại lễ và việc mua 2.000 viên ngọc rubi từ châu Phi để làm mắt rồng biếu tặng đại biểu". Theo đại biểu Dũng, riêng chi phí 800 USD/viên ngọc rubi ông đã trực tiếp hỏi nhà văn đã viết về thông tin này và nhà văn cho biết đây là tin công khai. "Bộ trưởng chỉ nói chi phí từ ngân sách nhà nước là 214,8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Cho đến thời điểm này các địa phương đã báo cáo chưa?". Tổng kinh phí cho Đại lễ là bao nhiêu?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng theo phân cấp, ngân sách trung ương do Thủ tướng và các bộ điều hành, ngân sách địa phương do HĐND điều hành. Chi cho lễ hội cũng theo nguyên tắc đó. Đã có Ban chỉ đạo nhà nước phân công cụ thể. Đến nay, Chính phủ đã chi 218 tỷ đồng cho Đại lễ, trong đó có việc hỗ trợ một số địa phương.
Chi lớn nhất là cho thành phố Hà Nội. Tôi đã có yêu cầu báo cáo và họ đang đôn đốc quyết toán. Nhưng tôi khẳng định không có con số 94 ngàn tỷ đồng chi cho Đại lễ. Nếu cộng cả chi phí cho công trình đường xá thì là không phải. Vì không có đại lễ thì việc này vẫn phải làm, Hà Nội chỉ nhân dịp phấn đấu để chào mừng Đại lễ.
Về vịêc mua 2.000 viên rubi, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phân trần: Tôi cũng chỉ biết như đại biểu thôi, tức là chỉ biết khi đọc trên mạng. Người ta không xin tiền ngân sách, không báo cáo tôi. Ở đây có một doanh nghiệp là Công ty CP Mỹ nghệ Đông Sơn, tôi cũng chưa biết mặt mũi Công ty này. Họ làm 1.000 con rồng, còn gắn thế nào thì tôi không biết, vì đó là tiền của họ.
Chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi rất nhiều từ Đảng, Nhà nước nhưng các chỉ tiêu doanh số lợi nhuận, sử dụng lao động không bằng các doanh nghiệp dân doanh. Có nhiều giải pháp, nhưng ở cương vị lãnh đạo, ngài Bộ trưởng có tư vấn nào mang tính chất đột phá để phát triển hay không?
Về kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Sửa luật chứ không bỏ Quỹ
Đại biểu Vị Trọng Lễ (Phú Thọ) dẫn báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện khẳng định: Quỹ bình ổn được thành lập chưa đúng quy định pháp luật, cụ thể là Pháp lệnh giá. Dù Bộ Tài chính đã có hai văn bản giải trình nhưng đều không được chấp thuận. Cử tri kiến nghị bãi bỏ Quỹ này vì từ khi trích lập, dù giá tăng hay giảm họ đều phải trích nộp 300-500 đồng/lít xăng dầu và việc sử dụng như thế nào, người tiêu dùng được hưởng lợi ra sao là không rõ ràng.
Cử tri cho rằng nhiều thời điểm giá thế giới giảm nhưng trong nước không giảm, Petrolimex lúc nào cũng cho rằng lỗ, Bộ trưởng có ý kiến gì về kiến nghị của cử tri? và kiến nghị bỏ Quỹ của UBTVQH?
Đại biểu Vị Trọng Lễ (Phú Thọ). Ảnh: Sỹ Lực. |
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, việc lập Quỹ đã được thực hiện từ năm 1993. Dẫn các văn bản nghị quyết, nghị định, quyết định, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: Trong các biện pháp bao gồm cả các biện pháp về quỹ tài chính, chúng ta đang đi theo hướng thị trường.
Giá thế giới điều chỉnh hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Mặt hàng xăng dầu trước năm 2009, 100% là nhập khẩu, hiện đã có xăng dầu Dung Quất. Nếu điều hành theo tín hiệu thị trường sẽ phải điều hành thường xuyên, giảm thì không sao chứ cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và đời sống nhân dân. Vì vậy có Quỹ sẽ hạn chế đuợc việc điều chỉnh dày đặc hoặc cao quá.
Những biến động vừa rồi khi giá lên cao, nhờ Quỹ giá xăng trong nước nên giá đã không được điều chỉnh lên cao quá. Nếu không có Quỹ này, giá xăng dầu đã phải tăng thêm đến 1.200 đồng/lít. Thuế cũng được điều chỉnh nhằm chia sẽ quyền lợi giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Giá xăng dầu Việt Nam hiện vẫn còn thấp nhất trong khu vực. Cụ thể giá xăng trong nước hiện là 16.400 đồng/lít. Trong khi, mức giá này ở Singapore là 26.000 đồng/lít, ở Lào là 20.000 đồng/lít. Vì sao lúc giá thế giới giảm mà chúng ta chưa giảm ngay, là vì cần bù lại những lúc giá tăng mà chưa tăng ngay.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết sẽ trình Chính phủ đánh giá lại vấn đề này, lấy ý kiến lại để có thể sửa đổi lại pháp lệnh giá.
Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) chất vấn về một vấn đề đã được đặt ra khá nhiều nhưng chưa được trả lời trực tiếp. Đại biểu Nga dẫn chứng : Năm 2007, Bộ Tài chính báo cáo đã thanh tra toàn diện đối với Vinashin và nhận định, Vinashin đã tăng được vốn chủ sở hữu, hoạt động kinh doanh hiệu quả,… Bộ Tài chính với chức năng quản lý đã làm đúng, đầy đủ chức trách. Tuy nhiên đến năm 2008, báo cáo toàn diện về Vinashin đã công bố khoản nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nợ lương công nhân.
Đại biểu Nga chất vấn trách nhiệm nhà nước ở cấp nào? Bộ LĐ-TB&XH có can thiệp không? Thủ tướng Chính phủ có biết không? Quan điểm riêng của bộ trưởng về vấn đề trách nhiệm cá nhân ra sao? Bản kết luận của Thanh tra chính phủ về Vinashin như thế nào cần phải cho các đại biểu Quốc hội được biết.
Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) chất vấn: Việc cho vay lại 750 triệu USD có đúng tiêu chí luật Ngân sách không? Bộ đã thẩm định như thế nào? Bà Nga dẫn số liệu dự toán ngân sách cả năm của TP.HCM chỉ 28 ngàn tỷ đồng để đặt câu hỏi: "Khi cho vay lớn thế thì trách nhiệm quản lý ngân sách đến đâu?". Hơn nữa, Bộ Tài chính từ năm 2007 đã tiến hành thanh tra, 4 lần kiểm tra định kỳ việc sử dụng trái phiếu vay, nhưng kết quả Vinashin vẫn như hôm nay. Vậy hiệu lực quản lý đến đâu? Phải chăng chúng ta bất lực?
Đại biểu Ngô Quốc Dung (Thái Bình) khẳng định: Nghe Bộ trưởng nói, chúng tôi vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của Bô Tài chính, của Bộ trưởng về chức năng quản lý vốn dối với Vinashin. 105 ngàn tỷ đồng tổng tài sản nhưng thực tế sẽ còn rất ít. Nhiều tàu cũ được mua, đưa nhà máy điện cũ về, gom các doanh nghiệp thua lỗ từ các địa phương để số doanh nghiệp đội lên tới 289 doanh nghiệp, nhiều dự án dở dang không thu hồi vốn được...Bộ đã làm gì để hạn chế và trách nhiệm của Bộ đến đâu? Hơn nữa giải pháp thu hồi vốn là cho Vinashin di dời cơ sở đóng tàu ở thành phố để lấy đất thu hồi vốn, nhưng nếu doanh nghiệp nào cũng lấy đất để thu hồi vốn thì chúng ta mất hết đất?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh một lần nữa lại nhắc lại: Đúng là nếu đánh giá lại, tài sản sẽ bị mất, nhưng không phải mất hết. Bộ Chính trị và Thủ tướng đã có ý kiến về việc tái cơ cấu Vinashin. Về biện pháp thu hồi vốn, có rất nhiều giải pháp: Tạo nguồn vốn ngay từ khâu sản xuất kinh doanh. Chuyển giao, bán dự án. Cơ cấu lại nợ. Đàm phán lại với ngân hàng nước ngoài cho giãn nợ. Chuyển nhà máy theo quy hoạch từ nội thành ra ngoài...
Về việc cho vay lại 750 triệu USD, không phải là lấy từ ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Ninh tiếp tục trích nghị quyết khẳng định "tranh thủ mọi nguồn vốn...", và cho biết: Từ năm 2002, Chính phủ đã có đề án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trình Bộ Chính trị. Năm 2005 tiếp tục xây dựng đề án, tiếp tục phát hành trái phiếu trên nguyên tắc vay về rồi cho vay lại theo một nghị định của Chính phủ.
Vinashin có xây dựng đề án và tỏ ra phù hợp với chính sách thời điểm đó, cụ thể là đề án ngành công nghiệp đóng tàu, cần 39 ngàn tỷ đồng, trong đó có 17 ngàn tỷ đồng vay nước ngoài. Bộ có trình Chính phủ và sau đó có nghị quyết phát hành vốn và cho Vinashin vay lại.Ông Ninh khẳng định: Việc cho vay là phù hợp với các quy định.
Về bốn cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết có phát hiện sử dụng vốn chưa đúng cam kết, có hiện trượng dàn trải... Bộ có báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu Vinashin tiếp thu kiến nghị của Bộ nhưng việc thực hiện chưa nghiêm.
Nhóm PV