Dân Việt

Vụ “làm giả hồ sơ cát lậu”: Em gái ông chủ Kim Toàn là chủ mưu (?)

Trương Hồng - Nam Cường 01/06/2017 11:27 GMT+7
Gia đình chủ doanh nghiệp Kim Toàn (Đà Nẵng) có 3 công ty chuyên khai khoáng, xây dựng... đã "phù phép" hồ sơ, bán cát lậu cho nhà thầu Trung Nam để san lấp KĐT Đa Phước. Trong đó, xác định của ngành chức năng cho thấy, em gái chủ DN Kim Toàn là chủ mưu (?)

Ngày 1.6, cơ quan chức năng UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, quyết không bao che và truy đến cùng vụ "làm giả hồ sơ cát lậu" mà báo chí phát hiện, phản ánh trong thời gian qua. Đồng thời, cơ quan công an cũng đã có kết luận điều tra.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, gia đình ông chủ doanh nghiệp Kim Toàn có 3 công ty, gồm: Công ty CP Kim Toàn (tại huyện Nam Giang) do ông Ngô Văn Hỷ (đại diện pháp luật), Công ty Tây Trường Sơn (huyện Tây Giang) do Đỗ Thị Hành, người đại diện pháp luật và công ty thứ ba là Công ty CP Kim Toàn ở Đà Nẵng do con trai ông Ngô Văn Hỷ đại diện pháp luật. Còn người giả quyết định của UBND tỉnh là em gái của ông Ngô Văn Hỷ -  bà Ngô Thị Kim Vân (bà Vân là thủ quỹ của Công ty Kim Toàn kiêm kế toán của Công ty Tây Trường Sơn-PV).

"Như đã nói, tại sao quyết định giả như vậy mà vẫn công chứng được, cái này còn nhiều việc. Tôi cảm ơn báo chí đã phát hiện và phản ánh kịp thời việc khai thác cát trái phép ở Cửa Đại và làm giả quyết định của UBND tỉnh…” - ông Toàn cho biết.

img

Ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết: "Em gái ông chủ Kim Toàn làm giả quyết định của UBND tỉnh". Ảnh: Trương Hồng

Như vậy, nguồn cát để san lấp KĐT Đa Phước có nguồn gốc từ Công ty CP Tây Trường Sơn Quảng Nam trong 3 tháng cuối năm 2016 đã được xác định là cát lậu. Vậy trách nhiệm của phía sử dụng nguồn cát lậu như thế nào? Trả lời Dân Việt, ông Bùi Xuân Định - Tổng giám đốc Công ty CP Trung Nam cho rằng, đơn vị này không chịu bất kỳ trách nhiệm gì về hành vi của Tây Trường Sơn Quảng Nam. 

"Chúng tôi mua cát của họ, không quan tâm nguồn cát ở đâu vì hợp đồng thể hiện rõ bên bán cát chịu trách nhiệm nguồn gốc pháp lý. Trên thực tế chúng tôi có mua cát của họ với 3 lần xuất hóa đơn. Cát là có thực và họ chở từ huyện Đại Lộc về" - ông Định nói. 

Trước đó, Dân Việt thông tin, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo sơ bộ về việc giả quyết định của UBND tỉnh. Theo đó, quyết định 1193 từ việc khai thác đá ở huyện Nam Giang bị làm giả sang khai thác cát ở huyện Tây Giang, tiếp đến ngày 20.9.2016 Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam ký hợp đồng với Công ty Trung Nam 1 triệu mét khối cát san lấp Khu đô thị quốc tế Đa Phước ở Đà Nẵng.

Từ tháng 9 đến tháng 12.2016, Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam xuất bán cho Công ty Trung Nam là 22.199m3, trong đó 8.223m3 bán tại bãi, 11.976m3 vận chuyển đi bằng đường bộ, đã xuất 3 hóa đơn. Theo báo cáo công an, đối tượng làm giả quyết định 1193 của UBND tỉnh là Ngô Thị Thanh Vân (SN 1985, trú quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) thủ quỹ của Công ty Kim Toàn (đơn vị chính thức được UBND tỉnh ký quyết định gia hạn số 1193-PV) kiêm kế toán của Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam. Bà Vân đã tẩy xóa, công chứng giả quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam tại Phòng công chứng số 3 Đà Nẵng. Mục đích là hợp thức nguồn cát của Công ty Tây Trường Sơn để bán cho Trung Nam.

Vụ việc làm giả quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam mà Dân Việt phát hiện và có loạt bài điều tra thời gian qua đã gây chấn động dư luận. Theo đó ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp ký quyết định 1193 gia hạn khai thác mỏ đá tại Khe Rọm, thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang cho Công ty CP Kim Toàn (huyện Nam Giang), nhưng sau đó quyết định này bị làm giả thuộc về Công ty CP đầu tư & xây dựng Tây Trường Sơn (gọi tắt là Công ty Tây Trường Sơn) để hợp thức hóa hồ sơ bán “cát chui”  bán cho Công ty Trung Nam để san lấp mặt bằng Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng). 

Theo luật gia Lê Hồng Sơn - Giám đốc Công ty điều hành luật FDVN, căn cứ phản ánh của báo Dân Việt, khả năng việc mua bán này là không có thật vì không hề có mỏ cát ở A Tiêng. Các chứng cứ thể hiện Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam có quyền khai thác cát ở A Tiêng cũng là giả. Có thể thấy, không hề có việc mua bán mà nguồn cát là ở mỏ A Tiêng giữa Công ty Tây Trường Sơn và Công ty Trung Nam.

Như vậy, việc lập hóa đơn VAT mua bán cát trị giá 405 triệu đồng là hành vi lập hóa đơn khống theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo đó, Hóa đơn lập khống là hóa đơn được lập nhưng nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.

Về trách nhiệm, luật gia Lê Hồng Sơn cho hay, chưa bàn đến trách nhiệm hình sự ở đây vì còn phải chờ thêm kết quả từ phía công an.

Tuy nhiên, theo luật về trách nhiệm hành chính khi lập hóa đơn khống và sử dụng hóa đơn lập khống, Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này như sau: Khoản 9 Điều 33 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn khống. Khoản 3 Điều 34 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn lập khống...

Hiện Bộ Công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.