Tranh luận về án tử hình
Để tới vòng chung kết, Đỗ Nhật Nam đã vượt qua gần 100 thí sinh, nhưng nhiều người vẫn nghĩ cuộc đấu giữa cậu bé 10 tuổi với các sinh viên ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội và Học viện Ngân hàng có vẻ không cân sức.
Đỗ Nhật Nam (trái) tại vòng chung kết cuộc thi. |
Trong phần thi hùng biện bằng tiếng Anh, Nam bắt trúng đề tài khó nhằn với cả nhà làm luật: Có nên bỏ án tử hình hay không?
Sau hai phút chuẩn bị, Nam bước ra sân khấu và bắt đầu hùng biện mở đầu bằng việc đặt câu hỏi: Khi tử hình người phạm tội, ta cũng làm một việc tương tự như họ, đó là giết người. Tại sao khi người đó giết người bị coi là phạm tội, còn chúng ta lại không? Câu hỏi tưởng rất trẻ con ấy lại chứa đựng những vấn đề nhân văn đáng suy ngẫm khiến cả hội trường lặng đi.
Gương mặt ngây thơ, giọng nói tiếng Anh hồn nhiên, trong trẻo, nhưng những lời của Nhật Nam thật sâu sắc: Người phạm tội cần bị xử phạt, nhưng sẽ quá tàn nhẫn nếu xử tử. Nhiều quốc gia như Anh hay Nhật có luật cấm xử tử, ở Mỹ, có một số bang chấp nhận án tử hình, còn một số thì không...
Trong phần đối đáp với ban giám khảo, trả lời câu hỏi: “Với trường hợp kẻ giết người dã man chỉ phải chịu án tù, ra tù lại phạm tội thì sẽ phải như thế nào?” Nam nói: “Mình cần phải giáo dục anh ta từ trong tù, rằng không nên tiếp tục tái phạm, dạy nghề cho anh ta, mở mang đầu óc để nghĩ lạc quan hơn...”.
>> Ngỡ ngàng và khâm phục xem cậu bé lớp 5 hạ gục bốn sinh viên
Mơ làm ngoại trưởng... Mỹ
Thiếu nhi cả nước đều quen mặt Nam khi cậu đang làm MC cho chương trình Chúc bé ngủ ngon (VTV3) , Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé (VTV2). Nam nổi tiếng từ khi mới 7 tuổi, từng lập kỉ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất. Nam đã dịch Sun up, sun down - The story of day and night (Mặt trời mọc, mặt trời lặn - Câu chuyện của ngày và đêm) cho nhà sách Thaihabook.
Sau hai năm tiếp xúc với tiếng Anh, Nam đã thi đỗ chứng chỉ Starter của ĐH Cambridge, đồng thời hoàn thành chứng chỉ Mover với số điểm tuyệt đối 15/15. Mới 7 tuổi, học lớp 2, Nam thi TOEIC do hội đồng thi Anh ngữ London tổ chức và lập kỷ lục về số điểm cao nhất: 650 điểm.
Nam giỏi tiếng Anh nhờ tự học và đọc rất nhiều. Trước đây, Nam mơ ước sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ vì “nước Mỹ có nhiều vấn đề cần giải quyết”. Rồi em lại muốn mình thành đạt như Bill Gates và giờ đây lại đặt mục tiêu trở thành nhà… bác học.