Chiều ngày 1.6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội thảo luận ở tổ nội dung này.
Dự án Long Thành chậm tiến độ 2 năm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia. Từ ngày Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư đến nay đã 2 năm rồi vẫn chưa có báo khả thi nên phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để không làm ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1.
“Khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12 nghìn tỷ đồng, tới khi Quốc hội thông qua đã tăng lên 18 nghìn tỷ đồng, cho đến hiện nay tăng lên 23 nghìn tỷ đồng. Con số 23 nghìn tỷ đồng này là do bao gồm hơn 600 ha đất cho tái định cư”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Khi làm dự án, mình chỉ tính thu hồi đất để làm sân bay, bến cảng, khu công nghiệp dịch vụ nhưng không tính đất cho tái định cư. Lần này có bổ sung thêm hơn 600 ha đất cho tái định cư.
“Thực ra thêm đất này là phải trình Quốc hội mới có pháp lý và ban hành Nghị quyết riêng. Trước đây là thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng do chưa có báo cáo khả thi nên phải trình Quốc hội thông qua”, bà Ngân cho biết.
Chủ tịch Quốc hội nhận định việc chậm tiến độ dự án Long Thành đã bỏ lỡ rất nhiều thời cơ. “Cũng phải nói rằng, chúng ta bỏ lỡ rất nhiều thời cơ. Mấy ngày này xem thấy sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường mà hành khách phải kéo hành lý chạy bộ sợ trễ giờ bay mà thấy thê thảm”.
Chủ tịch Quốc hội nói khi thông qua dự án Long Thành đã tính sân bay này sau năm 2025 là xong giai đoạn 1, nhưng Quốc hội yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.
“Bây giờ đã quá tải trước mắt chúng ta. Từ trước Tết trở lại đây, Tân Sơn Nhất là nổi ám ảnh của người đi máy bay, thậm chí rất gần, cách sân bay có bây nhiêu đất thôi mà phải đi trước mấy tiếng đồng hồ vì tắc đường”, bà Ngân phản ánh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Đàm Duy)
Theo Chủ tịch Quốc hội cần phải phê bình việc chậm triển khai một quyết định đầu tư của Quốc hội, 2 năm rồi chưa có báo cáo khả thi. Nếu có chậm đi 1 năm, tiền bạc có từ đầu nhiệm kỳ đã có thể rãi ra để làm được bao nhiêu công việc.
“Dự án càng chậm thì càng khó khăn, giá càng lên, dân cũng không yên tâm để ổn định sản xuất vì chủ trương biết rồi, rồi còn không biết chừng nào đi, đi chỗ nào, sống chỗ nào dẫn đến rất nhiều hệ lụy của việc chậm chễ này”, bà Ngân nhận định.
Chưa có báo cáo khả thi, bàn bồi thường có đúng luật?
Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình, băn khoăn việc chưa có báo cáo khả thi toàn dự án Long Thành mà bàn việc đền bù cho dân liệu có đúng luật không?
“Vì khi Quốc hội thông qua chủ trương thì Chính phủ phải triển khai và lập báo cáo khả thi. Khi báo cáo nghiên cứu khả thi có đầy đủ tiêu chí, đánh giá đầy đủ các mặt kinh tế xã hội rồi mới nói đến chuyện có đầu tư dự án này hay không?
Bây giờ báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có, tất cả các thông số kỹ thuật để Chính phủ quyết định đi đến đầu tư hay không chưa có. Bây giờ chưa có quyết định đầu tư mà lại triển khai giải phóng mặt bằng, đây là vấn đề tôi băn khoăn về mặt quy trình.”, đại biểu Phương phân tích.
Đại biểu Phương cho rằng vẫn làm dự án này, nhưng trong nguồn lực hiện tài thì phải tính toán đến lộ trình để có sự phù hợp, có đủ nguồn lực và dự án sân bay có hiệu quả thì mới có bước giải phóng mặt bằng.
“Đại biểu Phương nói đúng”, bà Kim Ngân nhận định. Chủ tịch Quốc hội nói thêm: “Khi chúng ta duyệt chủ trương tách giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án thì lập tức Chính phủ phải lập dự án khả thi và tháng 10 tới báo cáo khả thi của việc thu hồi đất, chính sách thế nào, đền bù thế nào, giải toả thế nào, báo cáo với QH. Quốc hội mà thông qua thì Chính phủ mới được thu hồi. Chứ không phải bữa nay Quốc hội thông qua mai thu hồi luôn”.
Người đứng đầu Quốc hội cho biết đồng ý tách ra một dự án độc lập nhưng trong báo cáo này Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phải viết là tách ra thành một dự án độc lập, trước khi có báo cáo khả thi của toàn cảng sân bay Long Thành.
“Nhưng còn thiếu một câu Chính phủ phải xây dựng báo cáo khả thi của dự án đền bù tái định cư này trình Quốc hội vào tháng 10 này, thấy khả thi thì Quốc hội mới thông qua, khi đó mới được thu hồi. Đằng nào cũng hết năm nay, chậm thêm 6 tháng nữa”, Người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về việc có nên sửa Nghị quyết 94 hay làm Nghị quyết mới. “Nếu sửa Nghị quyết 94 thì Quốc hội sai, nên chỉ bổ sung và thêm Nghị quyết 95 về việc thu hồi thêm 600 ha đất cho tái định cư và tách dự án tái định cư làm dự án riêng. Làm Nghị quyết riêng là đúng”, Người đứng đầu Quốc hội cho biết.
Chiều 1.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai (dự án).
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình triển khai thực hiện dự án cho thấy cần thiết phải tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai dự án.
Trong trường hợp Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo tiến độ hiện nay, dự kiến nếu Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thì sớm nhất năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án.
|