Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân sản xuất gạo, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) được triển khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình trình diễn áp dụng “3 giảm 3 tăng” của hộ gia đình ông Mai Quốc Thức ở xã Mỹ Hương. Ảnh: N.Q
Nhiều hộ nông dân tham gia lớp tập huấn của dự án VnSAT cho biết, tham gia lớp tập huấn “3 giảm 3 tăng” ngay từ khi dự án VnSAT triển khai tại địa phương, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng vào ruộng của mình. Việc giảm giống dẫn đến giảm phân, giảm thuốc trừ sâu, nên tiết kiệm được chi phí đầu vào khoảng 200.000 đồng/công lớn (khoảng 1.300m2).
Ông Mai Quốc Thức ở xã Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm mô hình trình diễn áp dụng “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp quy trình canh tác cũng như cách phòng trừ bệnh. Ông Thức cho biết, trước khi gieo sạ 10 ngày, ông đưa nước lên ruộng và cho vịt vào để ăn ốc. Trước khi sạ 2 ngày ông cho máy vào trục nhận gốc rạ, năm rồi trục có 2 tát nhưng vụ này tôi trục kỹ hơn, bón lót phân super lân 270kg cho 1,5ha và san phẳng mặt ruộng, đánh đường nước kỹ.
Theo ông Thức, từ khi tham gia, ông đã thay đổi được thói quen canh tác cũ, sản xuất lúa có kế hoạch hơn. Ngoài ra, ông còn biết được sản xuất theo “3 giảm 3 tăng” còn góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích thuộc vùng dự án trên địa bàn tỉnh là 35.000ha với 27.000 nông hộ, chia làm 4 cụm, tập trung ở các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, Thạnh Trị. Hiện các xã thuộc vùng dự án đang được Ban quản lý sàng lọc và có bước chuẩn bị cụ thể để tiến hành triển khai dự án. Các cuộc tập huấn nông dân đã được thực hiện từ đầu năm 2016 đến nay.
Ông Võ Quốc Trung - Đại diện Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đánh giá: “Đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Mục tiêu của dự án là 100% hộ trồng lúa trong vùng được tập huấn “3 giảm 3 tăng”, củng cố và thành lập mới 70 hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng dự án; trong đó, chọn 18 hợp tác xã áp dụng tốt mô hình để đầu tư máy móc trang thiết bị. Đồng thời, giảm tác động xấu đến môi trường bằng các hoạt động tưới tiết kiệm nước, giảm giống...”.